Trong khuôn khổ Tuần Thiết kế Việt Nam 2021, ngày 01/12, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban Tổ chức Tuần thiết kế Việt Nam 2021 đã tổ chức Hội thảo “Designed by VietNam – Thiết kế và Sản xuất” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Diễn giả trình bày tại Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Quang, cố vấn chương trình định cư con người Liên hiệp quốc; Họa sĩ Vũ Hy Thiều, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Tiến sĩ Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế; Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, CEO Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ xưa; Bà Trương Thùy Trang, Ủy viên Ban chấp hành Hội sở hữu trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh; Nhà thiết kế Nguyễn Phan Thùy Dương, Chủ biên ELLE Decoration, giảng viên ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo với các tham luận “Không gian sáng tạo vì sự phát triển bền vững”, “Đánh thức truyền thống trong các làng nghề Việt Nam”, “Thiết kế và sản xuất từ góc nhìn địa phương”, “Bảo vệ thành quả sáng tạo khi thiết kế”, “Đào tạo sáng tạo” với mục đích định hướng chiến dịch “Designed by Vietnam” trong thiết kế và sản xuất nhằm tăng giá trị các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam.
TS. Nguyễn Quang cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang suy nghĩ làm sao để đóng góp cho Hà Nội một không gian sáng tạo có tầm vóc quy mô đô thị. Chúng tôi đã đề xuất một mô hình, một khu đô thị văn hóa – công nghệ – thành phố xanh sáng tạo, nhân văn, cung cấp các dịch vụ nhà ở, hạ tầng và tiện ích giao thông, xã hội và sinh thái… Mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sáng tạo; là trung tâm giao lưu khoa học công nghệ của cả nước nhằm thu hút đầu tư; nâng cao tính chuyên môn và sáng tạo cho tầng lớp dân cư tri thức; là “phòng thí nghiệm sống” những công nghệ năng lượng tái tạo và thân thiện sinh thái; là thành phố công viên và thu hút du lịch.”
Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam muốn nhấn mạnh thông điệp “Designed by Vietnam” (Được thiết kế bởi Việt Nam) thay vì “Made in Vietnam” (sản xuất/gia công tại Việt Nam). Khẩu hiệu này sẽ thúc đẩy thêm những nhà thiết kế dù có quốc tịch Việt Nam hay là người nước ngoài đang sinh sống trên tại Việt Nam, khi được truyền cảm, tìm kiếm, khai thác, và vận dụng các yếu tố, đặc điểm của văn hóa – lịch sử – ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương, các câu chuyện thời xưa và nay, nhịp sống đô thị hiện đại, hay cảm xúc từ thiên nhiên thổi hồn vào chúng để thành các sản phẩm sáng tạo mới.
VM