Di sản

Hội thảo góp ý đề án phát huy giá trị ” không gian lễ hội Gióng ” tại Gia Lâm và Sóc Sơn

​Ngày 23/6/2014, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý Đề án Phát huy giá trị "Không gian lễ hội Gióng" tại Gia Lâm và Sóc Sơn để lấy ý kiến của các chuyên gia về văn hoá – du lịch, chính quyền địa phương  sở tại, BQL các di tích cùng các cơ quan hữu quan. Đ/c Mai Tiến Dũng – Phó Giám Sở chủ trì hội thảo.

Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010, hàng năm diễn ra tại hai địa điểm chính là đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) và đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn).

Đặc trưng của Phù Đổng là du lịch di sản gắn với du lịch văn hoá và du lịch sinh thái. Tiềm năng du lịch di sản lớn nhất ở đây là Hội Gióng, là quần thể di tích đền Phù Đổng – di tích Quốc gia đặc biệt.

Không gian Hội Gióng tại Sóc Sơn chủ yếu gắn với khu di tích lịch sử văn hoá đền Sóc ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh. Đây cũng là trung tâm du lịch của địa phương bên cạnh các địa điểm văn hoá – du lịch khác như Học viện Phật giáo và chùa Non nước, núi Đôi, hồ Đồng Quan… Công tác quản lý nhà nước về văn hoá – du lịch tại đây chú trọng tới việc khai thác giá trị của di sản nhằm phát triển du lịch của địa phương.

img2033_0

Hội thảo đưa ra vấn đề phát huy giá trị không gian Hội Gióng gắn với phát triển du lịch bền vững. Các ý kiến tại Hội thảo quan tâm tới vấn đề cần cân nhắc, lựa chọn phương án hợp lý để hài hoà giữa yếu tố bảo tồn di sản và yếu tố phát triển du lịch.

Theo ý kiến của chuyên gia về du lịch Trương Nam Thắng (Dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ), nếu chỉ tập trung vào công tác bảo tồn di sản mà không có sự khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch trên nền tảng di sản sẵn có thì không thu hút được khách tham quan, yếu tố du lịch của đề án sẽ khó được phát huy. Ông Thắng cũng băn khoăn về tính khả thi của việc xây dựng Bảo tàng cộng đồng Hội Gióng ở Phù Đổng được đề cập trong Đề án: Thánh Gióng vốn mang tính truyền thuyết, hư cấu nên nếu chỉ lưu giữ các tài liệu được lưu truyền mà không có hiện vật thì sự tồn tại của Bảo tàng chưa đủ yếu tố thành lập.

Chuyên gia về lĩnh vực văn hoá – PGS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia) nêu ý kiến cần tập trung vào công tác quảng bá cho đông đảo khách du lịch biết đến các di tích văn hoá – du lịch gắn với di sản Hội Gióng không chỉ vào ngày chính hội mà còn thu hút, hấp dẫn được du khách quanh năm; Để tăng sự phong phú cho Hội Gióng, cần tổ chức các màn diễn xướng trích đoạn những hoạt động truyền thống của lễ hội để vừa góp phần làm sống động cho di sản, vừa tạo cho du khách có những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn và ấn tượng với di sản này.

“Hiện nay, công tác thuyết minh tại các điểm thờ Thánh Gióng mỗi nơi mỗi khác, nên cần có sự chuẩn hoá về nội dung thuyết minh trên cơ sở thống nhất giữa các chuyên gia văn hoá – di sản – du lịch, đảm bảo tính khoa học, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý, thị hiếu của các nhóm đối tượng khách du lịch” là ý kiến của Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Mai Tiến Dũng.

Hội thảo đi tới quan điểm chung là Đề án phải gắn với Quy hoạch phát triển du lịch TP.HN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; việc phát huy giá trị không gian Hội Gióng cần phù hợp với quan điểm phát triển du lịch được đề cập trong Quy hoạch: “Phát triển du lịch Hà Nội theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc”.

Thuý Hạnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *