Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” gồm 3 chủ đề: Giá trị văn hóa đặc trưng của xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt. Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử xây dựng thành ở Việt Nam, vị trí, vai trò và những giá trị tiêu biểu của thành Sơn Tây trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài và di tích thành cổ Sơn Tây. 38 tham luận đã được gửi đến tham dự tại Hội thảo.
Ngày 26/4, Thị ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây (1822-2022).
Dự hội thảo có các đồng chí: Bùi Huyền Mai – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố; Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; Nguyễn Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; Trần Anh Tuấn, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, các nhà khoa học nhà nghiên cứu văn hóa…
Phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về giá trị văn hóa – lịch sử của thành cổ
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” gồm 3 chủ đề: Giá trị văn hóa đặc trưng của xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt. Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử xây dựng thành ở Việt Nam, vị trí, vai trò và những giá trị tiêu biểu của thành Sơn Tây trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài và di tích thành cổ Sơn Tây. 39 tham luận đã được gửi đến tham dự tại Hội thảo. Tại Hội thảo, các đại biểu đề cập nhiều vấn đề trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài như: Bảo tồn các lễ hội; một số giá trị tiêu biểu tín ngưỡng, tôn giáo xứ Đoài; di sản xứ Đoài trong kết nối không gian văn hóa và cảnh quan kiến trúc; truyền thống khoa cử và các nhà khoa bảng xứ Đoài…
Từ xa xưa, xứ Đoài là một vùng đất cổ, rộng lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, là cái nôi của nền văn minh Việt cổ, là nơi các vua Hùng lập nước và xây dựng kinh đô. Xứ Đoài còn là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của đất nước và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng: Xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài cần tiếp tục đi vào chiều sâu. Việc cần làm ngay là tập trung xây dựng điểm nhấn vào thị xã Sơn Tây, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài, trong đó, ba di sản nên được quan tâm trước tiên là: Tòa Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, lễ hội đền Và.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: Xứ Đoài chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa Hà Nội, dần hình thành vùng văn hóa nông thôn trong lòng đô thị, nhưng giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đoài vẫn như mạch nguồn âm thầm tiếp nối, tạo nên sắc thái riêng biệt của Sơn Tây – Hà Nội…
Phát biểu tại hội thảo, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn khẳng định: Thị xã Sơn Tây có hệ thống di sản phong phú, giàu truyền thống. Thành cổ Sơn Tây là một trong những trọng trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa…
Trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, với diện tích 12 ha. Thành được xây dựng năm 1822, có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông; xung quanh thành có hào nước bao bọc…Di tích Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BVHTT, ngày 15/10/1994.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn – bảo tàng, nhà quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa, đại diện chính quyền, ban, ngành địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thành cổ Sơn Tây.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam kiến nghị thị xã Sơn Tây cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc phục dựng các hạng mục còn lại của Thành cổ như nó vốn có, làm cơ sở cho các địa phương khác phục dựng thành cổ khi có điều kiện.
Một góc thành cổ
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội khẳng định: Thành cổ Sơn Tây có vị thế đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm mà xung quanh có mật độ di tích lịch sử văn hóa đậm đặc nhất như: Khu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Tây Đằng, chùa Mía…, là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm hội tụ nổi bật nhất của văn hóa xứ Đoài.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác nghiên cứu, bảo tồn Thành cổ Sơn Tây cần phát huy hơn nữa để Thành cổ Sơn Tây đủ điều kiện trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, đại diện tiêu biểu cho loại hình thành lũy thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Tiếp thu những ký kiến đóng góp của các nhà khoa học, lãnh đạo thị xã Sơn Tây khẳng định trong thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài và di tích Thành cổ Sơn Tây nhằm góp phần tôn vinh, tạo động lực cho sự phát triển của thị xã và Thủ đô.
Thanh Thanh