Di sản

Hội thảo khoa học về Danh nhân Phan Huy Ích và dòng họ Phan Huy

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Danh nhân Phan Huy Ích, ngày 22/3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Sài Sơn và dòng họ Phan Huy tổ chức Hội thảo khoa học Danh nhân Phan Huy Ích  (1751-1822) và dòng họ Phan Huy tại xã Sài Sơn.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Nhiều nhà khoa học từ các đơn vị nghiên cứu, đào tạo lớn ở trong nước và một số học giả nước ngoài đã tham gia Hội thảo. Trong đó, ông Ban Ki Moon – nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc Quỹ Ban Ki Moon vì một Tương lai tốt đẹp hơn đã gửi qua video lời phát biểu chào mừng Hội thảo: “Tôi hết sức kính trọng tiên sinh Phan Huy Ích, vì tổ quốc, với tư cách là sứ thần của vương triều Tây Sơn đã chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của nhà Thanh trước vận mệnh của tổ quốc như ngọn đèn trước gió trong hiểm cảnh, vào năm 1790, ông được phái cử sang nước Thanh và đã tham gia vào cuộc chiến ngoại giao nguy hiểm đến cả tính mạng… Với tổ tiên như tiên sinh Phan Huy Ích, một nhà ngoại giao vĩ đại đã cống hiến cho 3 triều đại từ nhà Lê, nhà Tây Sơn, cho đến nhà Nguyễn, tôi xin chúc cho dòng họ Phan tiếp tục sản sinh ra những người con cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam như vậy. Tôi mong chờ sự thành công của Hội thảo khoa học, và hy vọng rằng mối quan hệ hữu hảo giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ mãi mãi bền lâu”.

GS, TS Ahn Kyong-Hwan, Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn Việt-KOVECA, trao bức thư pháp của cụ Phan Huy Ích cho đại diện dòng họ.

Bên cạnh các tham luận chung về dòng họ Phan Huy tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội), Hội thảo khoa học danh nhân Phan Huy Ích và dòng họ Phan Huy có chủ trương khuyến khích các tham luận đi sâu phân tích về hành trang, thân thế, sự nghiệp, văn bản trước tác, thành tựu thơ văn của danh nhân Phan Huy Ích, đặt trong mối quan hệ với dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn cũng như trong nền văn hóa Việt Nam thời trung đại.

Ngược dòng thời gian, theo các nhà khoa học, dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn vốn có nguồn gốc từ dòng họ Phan Huy nổi tiếng về khoa bảng và sĩ hoạn ở Xứ Nghệ. Đến đời thứ 7, cụ Phan Huy Cận (1722-1789, còn đọc là Phan Huy Cẩn) quyết định chuyển cư đến xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội), từ đó lập nên một nhánh Phan Huy Sài Sơn, tiếp tục phát triển truyền thống hào hùng của tổ tiên dòng họ Phan Huy ở Nghệ Tĩnh xưa. Cụ Phan Huy Cận đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1754, đời vua Lê Hiển Tông, từng giữ các chức quan: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Nhập thị Kinh diễn kiêm Nhập thị Bồi tụng, Quốc sử Tổng tài, Lễ bộ Tả Thị lang. Sau khi định cư trên vùng đất mới, các thế hệ tiếp theo của cụ Phan Huy Cận đã kế thừa và phát dương nếp nhà, đóng góp nhiều bậc hiền tài, cống hiến cho quốc gia và xã hội từ nhiều lĩnh vực như văn chương, lịch sử, ngoại giao, văn hóa, giáo dục. Có thể kể tên một số danh nhân tiếp theo của dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn như Phan Huy Ích (1751-1822, đời thứ 8, con cả của cụ Phan Huy Cận), Phan Huy Ôn (1755-1786, đời thứ 8), Phan Huy Sảng (1764-1811, đời thứ 8), Phan Huy Quýnh (1775-1844, đời thứ 9), Phan Huy Thực (1778-1844, đời thứ 9), Phan Huy Chú (1782-1840, đời thứ 9), Phan Huy Vịnh (1800-1876, đời thứ 10), Phan Huy Dũng (1842-1912, đời thứ 11), cũng như nhiều nhân vật khác đóng góp cho lịch sử văn hóa Việt Nam thời hiện đại và đương đại.

Được sự hưởng ứng của nhiều nhà khoa học, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 18 bài viết của 19 tác giả trong và ngoài nước. Đơn vị có nhiều tác giả tham luận nhất là Viện Nghiên cứu Hán Nôm-đơn vị chủ trì Hội thảo với 11 tác giả đóng góp 10 tham luận. Nội dung các tham luận bao quát các khía cạnh vấn đề đặt ra của Ban Tổ chức, thể hiện khá rõ nét trên 3 phương diện: Một số vấn đề chung về dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn; thân thế, sự nghiệp của Danh nhân Phan Huy Ích… Trong các chủ đề và vấn đề được đặt ra trong Hội thảo này, có một số vấn đề đã được các nhà nghiên cứu trước đây tìm hiểu, nhưng cũng có những vấn đề được đề xuất mới và bước đầu đề xuất phương án và quan điểm để giải quyết. Các tác giả tham luận là những học giả đã có nhiều kinh nghiệm học thuật, đóng góp tiếng nói khoa học từ góc độ cá nhân và chịu trách nhiệm trước những tư liệu và quan điểm mà mình sử dụng và đưa ra.

Các vấn đề được bàn thảo đã đánh dấu một cột mốc trong tư duy và nhận thức của chúng ta ngày nay về danh nhân Phan Huy Ích cũng như về những vấn đề cụ thể liên quan, đồng thời là những gợi mở để tiếp tục triển khai các nghiên cứu tiếp theo trên cả hai hướng mở rộng và đi sâu.

Duy Mạnh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *