Di sản – Bảo tồn

Hội thảo trực tuyến “Hiện trạng các di sản công nghiệp ở Hà Nội”

Vào ngày 21/10 tới đây sẽ diễn ra Hội thảo trực tuyến “Hiện trạng các di sản công nghiệp ở Hà Nội” với chủ đề “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội – Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp”.

Complex 01 – một không gian sáng tạo được chuyển đổi từ một nhà máy in cũ.

Năm 2020, Thành phố Hà Nội cho biết có khoảng 150 khu công nghiệp nằm trong các quận nội thành sẽ phải dừng hoạt động hoặc phải được di dời ra các khu vực ven đô. Quyết định này đặt ra những câu hỏi quan trọng: Tương lai của những địa điểm lớn nằm ở trung tâm này sẽ như thế nào? Chúng có thể được tái sử dụng ra sao để phục vụ sự phát triển của thành phố? Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự thiếu hụt những không gian cộng đồng và không gian văn hóa mở, dự án thúc đẩy việc đánh giá lại những giá trị của các di sản công nghiệp của Hà Nội thông qua các biện pháp can thiệp mang tính xây dựng.

Hội thảo mang đến cơ hội đối thoại đa bên nhằm trao đổi kinh nghiệm và đề xuất với các kiến trúc sư và nhà quy hoạch nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài về những lợi ích tiềm năng của việc “tái thiết di sản công nghiệp” xét đến khía cạnh đóng góp vào một thành phố Hà Nội đáng sống với những thiết kế phù hợp với hướng phát triển đô thị hóa của Thủ đô cũng như hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ của dự án EUNIC “Tái thiết di sản công nghiệp”. Dự án do Viện Pháp tại Việt Nam lên ý tưởng và tập hợp sự tham gia của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng 11 thành viên của Viện Văn hóa Quốc gia Liên minh Châu Âu (EUNIC) (Viện Goethe, Hội đồng Anh, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles cùng Đại sứ quán Italia, Tây Ban Nha, Hungary, Cộng hòa Czech, Romani, Ba Lan, Vương quốc Hà Lan, Thụy Điển); 4 đối tác địa phương (Đại học Kiến trúc Hà Nội, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, tổ chức Heritage Space, Doanh nghiệp xã hội bền vững VSSE); 4 đối tác chuyên gia (UNESCO Việt Nam, Hanoi Ad Hoc, PRX Việt Nam, Undecided Production). Dự án được hỗ trợ bởi chương trình Không gian văn hóa của EUNIC.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *