Hội thề Trung Hiếu đền Đổng Cổ là dịp để cộng đồng bày tỏ sự biết ơn, tấm lòng tri ân đến thần Đồng Cổ đã hộ nước, an dân; đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của Nhân dân địa phương…
Tối 21/5/2023, tại di tích quốc gia đền Đồng Cổ, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ (1028-2023) và Lễ công bố Quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tới dự buổi lễ có đại biểu cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội cùng đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Chứng nhận Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ảnh: Thanh Tùng.
Đền Đồng Cổ tọa lạc trên khuôn viên làng Đông Xã, hậu tựa Hoàng thành Thăng Long, trước có sông Tô Lịch trong mát và là dấu tích còn sót lại của một trong Thăng Long bát cảnh (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Thần chủ của đền là Đại Vương Sơn Thần Đồng Cổ. Theo lời kể của cộng đồng địa phương và “Thần tích làng Đông Xã” được trích từ “Thần phả Tản Viên Sơn Thánh” (Đền Và – Sơn Tây) có ghi chép về Thần núi Đồng Cổ như sau: Đại vương Sơn Thần Đồng Cổ chính là ngài Vũ Công, dòng dõi nhà vua. Thời vua Hùng Duệ Vương thứ 18 được Đức Tản Viên phân công lĩnh binh sĩ đi dẹp quân Thục nổi loạn tại vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Hoàn thành nhiệm vụ, Ngài hiển Thánh trở thành Thần tại núi Đồng Cổ – làng Đan Nê (nay làng Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).
Di tích đền Đồng Cổ tại 353 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội
Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi thờ vọng Thần Đồng Cổ tại Đền Đồng Cổ ở Đan Nê (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Dưới thời Lý Thái Tổ, vào tháng 12 năm Canh Thân (từ 17-12-1020 đến 15-1-1021) Khai Thiên Vương Phật Mã (Lý Thái Tông) vâng mệnh vua cha (Lý Thái Tổ) đem binh dẹp Chiêm Thành phương Nam, khi đi qua đền Đồng Cổ (Thanh Hóa) được thần báo mộng. Thắng trận trở về, Phật Mã (Lý Thái Tông) cho sửa lễ tạ ơn thần ở đền Đồng Cổ (Thanh Hóa), rồi rước thần về lập đền thờ ở trong thành Thăng Long. Sách Đại Nam nhất thống chí xác định vị trí của ngôi đền Đồng Cổ đầu tiên do Lý Phật Mã dựng vào thời Lý Thái Tổ nằm ở phía Bắc thành Thăng Long. Đến năm 1028, sau khi dẹp xong loạn Tam vương, lên ngôi Hoàng đế, Lý Thái Tông “phong tước Vương cho thần núi Đồng Cổ” và “xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu thờ bên hữu thành Đại La sau chùa Thánh Thọ”, lấy ngày 25 tháng ấy (ngày 25-3 Âm lịch, tức 22-4-1028), đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng 4.
Hội thề Trung Hiếu được gìn giữ suốt hơn hai thế kỷ triều đại nhà Lý và còn được các triều đại nhà Trần, nhà hậu Lê duy trì theo nghi lễ quốc gia. Đến triều Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân (Huế), Hội thề không được tổ chức.
Cộng đồng cư dân làng Đông Xã luôn cảm thấy vinh hạnh được bảo vệ, trông nom ngôi đền Đồng Cổ linh thiêng – nơi đã diễn ra lễ thề Trung Hiếu qua các triều đại Lý, Trần, Lê và nhận thấy lời thề Trung Hiếu ấy vẫn còn nguyên giá trị với mọi thời đại, đặc biệt trong việc định hướng giáo dục nhân cách con người nên cộng động nhân dân địa phương đứng ra khôi phục tổ chức Hội thề, chính hội diễn ra vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch hàng năm. Điểm nhấn tạo nên sức cuốn hút, độc đáo của Hội thề là nghi lễ đọc thời thề. Trước sự chứng giám của thần Đồng Cổ cộng đồng địa phương đã đồng tâm tuyên thệ: Làm con bất hiếu / Làm tôi bất trung / Thần minh tru diệt.”
Nghi lễ đọc lời thề Trung Hiếu
Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Hội thề Trung Hiếu đền Đổng Cổ là dịp để cộng đồng bày tỏ sự biết ơn, tấm lòng tri ân đến thần Đồng Cổ đã hộ nước, an dân; đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của Nhân dân địa phương; Quá trình thực hành di sản đã hình thành nên tập quán xã hội của cộng đồng địa phương về việc giữ lời thề. Lời thề Trung Hiếu được tổ chức thành một nghi lễ trong lễ hội, là nguồn động viên, động lực nhắc nhở mỗi người trong việc thực hiện và chịu trách nhiệm với lời thề của mình trước thần Đồng Cổ; Góp phần vào việc giáo dục nhân cách, đạo đức của con người, là điểm tựa văn hóa của cộng đồng nhân dân địa phương.
Trong thời gian tới, đặc biệt khi di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ được đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần sự tham gia phối hợp của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các sở, ban, ngành cùng UBND quận Tây Hồ và chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ.
P.V