Để thực hiện quy hoạch, dự kiến cần đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Tỉnh Phú Thọ vừa công bố bản Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025, với mục tiêu xây dựng Khu di tích xứng tầm là di tích quốc gia đặc biệt, đưa Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thành một điểm du lịch hấp dẫn, thành phần quan trọng nhất của thành phố Việt Trì – Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Theo quy hoạch, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng có diện tích 845 ha, gồm 2 khu vực chính. Thứ nhất là khu vực di tích gồm toàn bộ núi Nghĩa Lĩnh có các đền, chùa, lăng, nhà bia, cột đá thề, cổng, hệ thống đường bậc đã được tu bổ tôn tạo và hệ thống cây xanh cảnh quan, rừng quốc gia. Thứ hai là khu vực vùng cảnh quan thiên nhiên bảo vệ di tích, tổ chức lễ hội và dịch vụ du lịch gồm các khu vực: Núi Vặn, Đền thờ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, núi Trọc; khu trung tâm lễ hội; Hồ Mẫu; khu rừng quốc gia Đền Hùng và cảnh quan sinh thái phía bắc Đền Hùng; khu Tháp Hùng Vương; Đài tưởng niệm Liệt sĩ và Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân; khu dân cư hiện trạng cải tạo lại.
Để thực hiện quy hoạch, dự kiến cần đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Dự án được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn 2016-2020, đầu tư 1.781 tỉ đồng tập trung hoàn thiện các dự án, công trình đang thực hiện dở dang như: Tượng Hùng Vương; hạ tầng Trung tâm lễ hội giai đoạn 3; tôn tạo cảnh quan đồi công quán; cải tạo (Bảo tàng Hùng Vương) Nhà triển lãm chuyên đề; cải tạo bãi xe số 5; hệ thống thu gom rác thải, chất thải cải thiện môi trường di tích; hạ tầng kỹ thuật cảnh quan hồ mẫu giai đoạn 2; cải tạo, mở rộng hệ thống giao thông đối ngoại. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế các xã vùng ven xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và bồi thường di chuyển dân trong vùng “Tam sơn cấm địa”.
Giai đoạn 2021-2025, đầu tư 2.723 tỉ đồng xây dựng các dự án Tháp Hùng Vương và hệ thống các công trình hạ tầng kiến trúc cảnh quan xung quanh; tu bổ tôn tạo rừng quốc gia Đền Hùng kết hợp với xây dựng các sân tổ chức lễ hội, khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng, khu công viên văn hóa vui chơi giải trí và các công trình kiến trúc cảnh quan thuộc khu vực rừng phía Bắc và khu cảnh quan hồ Mẫu; đồng bộ hệ thống cấp thoát nước, cấp điện và hệ thống đường giao thông đối nội; tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế các xã vùng ven xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và các khu dân cư hiện trạng giữ lại trong ranh giới quy hoạch.
Được biết, từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn phân bổ cho các dự án thuộc Khu di tích Đền Hùng khoảng trên 700 tỉ đồng, trong đó có hơn 100 tỉ đồng là nguồn tiền của nhân dân đóng góp và công đức.
Khu di tích đã thực hiện tôn tạo, tu bổ một số công trình như mở rộng khuôn viên sân vườn Đền Thượng, tôn tạo cảnh quan sân vườn Đền Hạ, cải tạo toàn bộ hệ thống đường và bậc trong núi Nghĩa Lĩnh; khởi công, tu bổ, tôn tạo chùa Thiền Quang; trồng, bảo vệ và phát triển rừng quốc gia Đền Hùng; trồng bổ sung các loại cây bản địa, cây bóng mát, cây cảnh và các lớp thảm thực vật tại khuôn viên các khu vực trong Khu Di tích tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp và trang nghiêm hơn.