Chiều 26/11, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Hợp tác Công – Tư thúc đẩy sự phát triển không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội”.
Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, Không gian văn hoá và sáng tạo có tiềm năng trong việc tham gia và hỗ trợ các biểu đạt nghệ thuật cũng như các cơ hội tiếp cận với đời sống văn hoá. Một không gian sáng tạo là một địa điểm, có thật hay trực tuyến, có sứ mệnh giúp những nghệ sĩ và người thực hành cùng hợp tác làm việc và tổ chức những chương trình, hoạt động về văn hoá, nghệ thuật và sáng tạo đến với công chúng.
Trong những năm qua, với sự phát triển vượt bậc của Hà Nội, các không gian văn hóa sáng tạo đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo khảo sát của Văn phòng Hội đồng Anh tại Hà Nội, Thủ đô đang dẫn đầu cả nước với 115 không gian văn hóa sáng tạo, trong đó có nhiều đại diện tiêu biểu, như các không gian sáng tạo: Tổ chim xanh, Ơ kìa Hà Nội, Heritage space, Hanoi Grapevine…. Không chỉ lớn mạnh về số lượng, các không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội còn đa dạng các loại hình hoạt động, từ: Mỹ thuật, tạo hình, thời trang, kiến trúc đến phim ảnh… Nhiều ý tưởng và nghệ sỹ tiên phong, các hoạt động nghệ thuật đương đại như âm nhạc thể nghiệm, triển lãm đa phương tiện diễn ra sôi nổi, góp phần khơi gợi tri thức sáng tạo, mở thêm nhiều cơ hội hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng.
Dù có nhiều khởi sắc song hiện lĩnh vực phát triển không gian văn hóa sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu vẫn là những mô hình hoạt động tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ cũng như cơ chế đặc thù để phát triển bền vững. Nhiều không gian sáng tạo ra đời nhằm mục đích phục vụ cộng đồng nhưng lại được coi là một doanh nghiệp đơn thuần, khiến việc tổ chức hoạt động có nhiều bất cập, hạn chế hoạt động sáng tạo. Do đó, các không gian sáng tạo văn hoá thường “chết yểu”.
Tại tọa đàm, đại diện rất nhiều không gian sáng tạo ở Hà Nội, như: Đom Đóm, Vụn art, Mắt Trần Ensemble, Think play grounds… đã giới thiệu những thành tựu của nhóm, chia sẻ những khó khăn, trở ngại khi tổ chức hoạt động khi thiếu những hướng dẫn, hỗ trợ đi kèm từ phía nhà nước… đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp hiệu quả, hình thành môi trường thuận lợi cho các không gian văn hóa sáng tạo phát triển hơn nữa. Các giải pháp được đánh giá cao, gồm: Hoàn thiện hệ thống chính sách, đơn giản hóa thủ tục trong đó không ứng xử với các không gian sáng tạo như các đơn vị kinh doanh; có chính sách hỗ trợ về mặt bằng, giá thuê… với doanh nghiệp, cá nhân làm sáng tạo; ưu tiên các khu vui chơi, các hoạt động sáng tạo cộng đồng, khi tiến hành quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới…
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết, với việc Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO sẽ tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sang tạo văn hoá, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
“Với những đóng góp tích cực của các không gian sáng tạo văn hoá nghệ thuật ở Thủ đô trong thời gian qua, chúng tôi hi vọng rằng trong thời gian tới đây sẽ có những kết nối để hình thành các kế hoạch, dự án khả thi cũng như phối hợp tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao… để cùng nhau xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm sang tạo của đất nước” – ông Động khẳng định thêm.
Buổi toạ đàm là cơ hội trao đổi giữa các Không gian Văn hoá sáng tạo và các cơ quan chức năng có liên quan đến các hoạt động văn hoá, tập trung thảo luận các cách thức phối hợp hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các Không gian Văn hoá sáng tạo tại Hà Nội.
Bình Dương
Theo MaskOnline