Chủ đề của chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 là “Cùng hành động để thay đổi thế giới”
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn có tên tiếng Anh là Clean Up the World (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm) và đã phát triển quy mô sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia của hàng trăm quốc gia, hàng triệu lượt người trên toàn cầu thông qua các hoạt động trọng tâm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994 bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Chủ đề của chiến dịch năm 2022: Cùng hành động để thay đổi thế giới
Tiếp nối chủ đề Cùng hành động để thay đổi thế giới đã được phát động tại Chiến dịch năm 2021 và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 bao gồm các hoạt động tiêu biểu như:
(1) Phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây; cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch… Quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị như thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân;
(2) Tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cơ quan;
(3) Kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường…; kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí. Bên cạnh đó, khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và đời sống dân sinh;
(4) Tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế (thiết kế vì môi trường). Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hoá, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân,… trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi nilông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…); tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn;
(5) Các cơ quan truyền thông, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tăng thời lượng tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường … Thực hiện các chương trình truyền thông theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông phù hợp trên nền tảng công nghệ, phù hợp nhóm đối tượng;
(6) Phát hiện, nhân rộng các gương điển hình, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường. Khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
MT