Thời gian qua, huyện Đông Anh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Huyện xác định phát triển kinh tế là trung tâm thì giữ gìn, bảo tồn các giá trị di sản văn hoá là nhiệm vụ then chốt. Huyện đã triển khai nhiều hoạt động như: quảng bá di tích, lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng; xuất bản các ấn phẩm giới thiệu di tích, lễ hội; đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với việc bảo vệ DSVH dân tộc.
Huyện Đông Anh là vùng đất cổ, nơi còn lưu giữ nhiều di tích từ thời kỳ tiền – sơ sử đến các di tích của các thời lịch sử sau này. Nhắc đến Đông Anh là nhắc đến vùng đất cố đô của người Việt cổ, nơi 2 lần được chọn là kinh đô. Theo thống kê, huyện Đông Anh có 124 di tích được cấp bằng xếp hạng, trong đó có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 55 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Các di tích lịch sử văn hóa của huyện bao gồm đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, quán, di tích cách mạng, nhà thờ danh nhân ….
Đông Anh còn là nơi lưu giữ được những giá trị di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể giá trị, tiêu biểu như ca trù Lỗ Khê, múa rối nước Đào Thục, tuồng Xuân Nộn, chèo Ngọc Chi; lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội đền Sái …
Thời gian qua, huyện Đông Anh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Huyện xác định phát triển kinh tế là trung tâm thì giữ gìn, bảo tồn các giá trị di sản văn hoá là nhiệm vụ then chốt. Huyện đã triển khai nhiều hoạt động như: quảng bá di tích, lễ hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng; xuất bản các ấn phẩm giới thiệu di tích, lễ hội; đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với việc bảo vệ DSVH dân tộc.
Cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình – chùa Lại Đà
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, nhiều năm qua huyện Đông Anh đã thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa. Phòng Văn hóa thông tin có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý di tích, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng tổ chức kiểm tra, giải quyết đơn thư kiến nghị của nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy tác dụng di tích lịch sử văn hóa; thường xuyên kiểm tra hoạt động bảo vệ di tích của các tiểu ban quản lý di tích tại cơ sở để kịp thời hướng dẫn xử lý các vấn đề liên quan. Địa phương cũng thực hiện tốt việc kiểm kê, xếp hạng di tích, nghiên cứu khoa học về di tích; bảo vệ chống vi phạm di tích, tu bổ, tôn tạo di tích. Ngoài ra, hàng năm huyện tổ chức và cử người đi tham dự các lớp tập huấn về di sản, di tích cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn và cán bộ thuộc các Ban quản lý di tích, nhờ đó mà góp phần nâng cao nhận thức về DSVH cho cán bộ chuyên môn và nhân dân. Huyện còn chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn kiện toàn Ban quản lý di tích để việc quản lý, chăm sóc di tích được tốt hơn…Năm qua, Phòng VHTT đã chỉ đạo UBND xã Võng La tổ chức hội thảo khoa học về phục dựng di tích đình làng Chài và lễ hội truyền thống thôn Võng La; đặc biệt là phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiểm tra hiện trạng 10 di tích xuống cấp nặng trên địa bàn huyện.
Lễ hội đền Cổ Loa.
Để tạo điều kiện phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử – văn hóa, những năm qua, Đông Anh đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường dẫn về các điểm di tích và trùng tu, tôn tạo nhiều di tích trên địa bàn. Huyện đã tiến hành tu bổ hơn 100 di tích, với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Huyện còn chủ động đầu tư gần 160 tỷ đồng nâng cấp các tuyến đường dẫn về làng rối nước Đào Thục, đền Sái, xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống như: “Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm”, “Rượu đông tửu Long Hội”, “Tinh hoa đồ gỗ Vân Hà”… để quảng bá tới 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Huyện đã lắp đặt biển chỉ dẫn tại các điểm du lịch: Khu di tích Cổ Loa, di tích Đền Sái, làng múa rối nước Đào Thục, Làng nghề truyền thống chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, làng nghề truyền thống Đậu Chài,…
Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa vật thể, Đông Anh còn có hệ thống các lễ hội. Các lễ hội truyền thống hàng năm trên địa bàn đều được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn. Chính những điểm này đã giúp cho du khách đến với Đông Anh ngày một đông. Theo thống kê, lượng khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn liên tục tăng qua các năm. Riêng lượng khách thăm đền Cổ Loa và đền Sái đạt mức kỷ lục xấp xỉ 85 triệu lượt/ năm, khách đến với làng nghề múa rối nước Đào Thục hay tìm về Lỗ Khê – miền đất ca trù nổi danh đất Bắc cũng ngày một đông hơn. Đặc biệt, du khách thập phương đến với Đông Anh còn là tìm về một địa chỉ văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống, một miền quê tươi đẹp, miền quê đáng sống tiêu biểu.
Thanh Quy
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm