Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008, của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện Gia Lâm có bước phát triển về nhiều mặt, ngày càng đa […]
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008, của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện Gia Lâm có bước phát triển về nhiều mặt, ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Để triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW, huyện Gia Lâm đã triển khai thực hiện Đề án về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 – 2020”. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành của Thành phố xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng gắn với du lịch”. Huyện cũng kịp thời kiện toàn, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành văn hóa – thông tin huyện. Qua đó, hoạt động biểu diễn nghệ thuật được quản lý chặt chẽ. Công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ internet được quan tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 143 điểm truy nhập internet và cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Qua kiểm tra, không có điểm truy nhập internet công cộng vi phạm khoảng cách dưới 200m đến trường học.
Công tác quản lý di tích và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm, chú trọng và thực hiện tốt. Gia Lâm hiện nay có 317 di tích, trong đó, 253 di tích trong danh mục kiểm kê của Thành phố; 148 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và cấp thành phố, 14 di tích cách mạng kháng chiến. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Hàng năm, trên địa bàn huyện diễn ra 100 lễ hội tại các địa phương. Các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, an toàn, đúng quy chế lễ hội; phần lễ trang nghiêm, phần hội vui tươi, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Việc gìn giữ, khôi phục và phát triển hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật trình diễn, làng nghề truyền thống được quan tâm. Huyện đã lồng ghép có hiệu quả công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống với phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Cùng với việc quản lý và khôi phục các giá trị văn hóa tốt đẹp, Gia Lâm cũng đẩy mạnh đấu tranh chống các văn hóa phẩm độc hại, các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp thực hiện kiểm tra trên 2.000 lượt các cửa hàng kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao. Tạm thu giữ 17 modem, 26 CPU, 10 màn hình máy tính, 38 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, 1.020 ấn phẩm không được phép lưu hành; quyết định xử phạt hành chính các cá nhân, hộ kinh doanh có vi phạm hơn 152,750 triệu; tiêu hủy 2320 băng đĩa không tem nhãn, 1.020 ấn phẩm không được phép lưu hành.
Bên cạnh đó, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ được tạo điều kiện hoạt động theo quy định. Từ huyện đến cơ sở thành lập nhiều câu lạc bộ, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân tham gia như: CLB văn nghệ xung kích của huyện với hơn 40 hội viên, sinh hoạt theo định kỳ 1 tháng 2 lần tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện; 80 câu lạc bộ cấp xã, thôn, làng tổ dân phố; 40 câu lạc bộ tự phát trong nhân dân. Mỗi câu lạc bộ có từ 20 đến 80 thành viên tham gia; 18 CLB thơ câu đối Tết được duy trì hoạt động tại các xã, thôn với hàng trăm thành viên tham gia, chủ yếu là các thành viên cao tuổi.
Liên hoan văn nghệ các CLB thôn, tổ dân phố lần thứ Nhất năm 2018
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được quan tâm tạo điều kiện phát triển rộng khắp. Đến nay, đã có 23 đội thông tin tuyên truyền và hơn 200 đội văn nghệ của huyện và các xã, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố, các đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Trong 10 năm qua, đã tổ chức gần 10.000 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ tại cơ sở. Để góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và Thủ đô, mừng Đảng, mừng Xuân… Trong đó, tiêu biểu là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đã tổ chức 500 buổi biểu diễn văn nghệ, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng… Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức gần 965 buổi diễn văn nghệ, duy trì hoạt động của 24 câu lạc bộ văn nghệ, tổ chức hội thi tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước…
Liên hoan Múa hát tập thể và ca khúc măng non thiếu nhi huyện Gia Lâm
Thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, đảm bảo đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và thông tin, dịch vụ văn hóa công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa các cấp.
Song song với đó, tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từ cơ sở; quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, địa phương, dòng họ, gia đình nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Lam Sơn