Văn hóa cơ sở

Huyện Gia Lâm triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình

Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, xây dựng tin, bài, chuyên mục về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên Cổng thông tin điện tử huyện, sóng phát thanh huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở…

Hệ giá trị văn hóa là hệ thống các giá trị, chuẩn mực và niềm tin thống nhất trong một xã hội, phản ánh bản sắc và định hướng hành vi của con người gồm các yếu tố như dân tộc, nhân văn, dân chủ, pháp quyền và khoa học cùng với những đặc tính cơ bản khác. Hệ giá trị gia đình ở Việt Nam gồm các phẩm chất như tình yêu thương, hòa  thuận, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau. Xác định tầm quan trọng của hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình Việt Nam, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, đưa các hệ giá trị ngày càng “thấm” sâu vào đời sống, vào mỗi người dân, mỗi gia đình trên địa bàn.

Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, xây dựng tin, bài, chuyên mục về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên Cổng thông tin điện tử huyện, sóng phát thanh huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở, trang Thông tin điện tử xã, thị trấn, facebook, zalo của ngành văn hóa, thôn, tổ dân phố; xây dựng các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan. Huyện đã in và chuyển cơ sở 75.000 tờ rơi về bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho các gia đình; lắp đặt 164 bảng quy tắc ứng xử nơi công cộng; tái bản 1.000 cuốn Sổ tay du lịch “Gia Lâm – Điểm đến của bạn bè bốn phương”; duy trì khai thác Cổng Du lịch Gia Lâm… Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện  huyện đôn đốc, theo dõi, dự Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…Các Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đề xuất xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị…

Huyện Gia Lâm lắp đặt 164 bảng quy tắc ứng xử ở vị trí dễ nhìn

Ảnh: Phạm Mạnh

Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ban hành văn bản tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, biển hiệu, kinh doanh dịch vụ karaoke; phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử và mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng” tại cơ quan UBND xã Đặng Xá, mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả ” tại Chợ Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ; mô hình “Di tích lịch sử,văn hóa –Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại di tích đền – chùa Bà Tấm tại xã Dương Xá. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh trên địa bàn huyện.

Công tác văn hóa, giáo dục, công tác quản lý nhà nước về gia đình, văn hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa đạt trên 95%, huyện có 4 gia đình văn hóa được UBND Thành phố tặng Bằng khen, 02 gia đình được Sở Văn hóa và Thể thao tặng Giấy khen. Đây là các gia đình văn hóa tiêu biểu, có cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, có thành tích xuất sắc về hiếu học; lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống; tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, tích cực kinh doanh giỏi; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Đồng thời, huyện thực hiện mới và duy trì hiệu quả các mô hình thực hiện quy tắc ứng xử trên địa bàn: Mô hình một cửa và một cửa liên thông giải quyết các thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp tại bộ phận một cửa của huyện và 22 xã, thị trấn; mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại 85 di tích, cụm di tích; mô hình tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa; mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung tại 12 khu chung cư; mô hình “Trường học thân thiện, nói lời hay, làm việc tốt, cảnh quan đẹp” tại 81 trường học. Tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện chiến lược phát triển gia đình, chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Toàn huyện hiện có 187 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 35 mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, 02 câu lạc bộ nam giới đi đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình, 4 câu lạc bộ nam giới tiên phong, 2 câu lạc bộ nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em.

Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng có nhiều điểm sáng. Thôn, tổ dân phố đều có ban tang lễ và có quỹ thăm hỏi, phúng viếng. Các hủ tục trong việc tang từng bước được xóa bỏ. Tính đến hết quý 3 năm 2024, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn đạt 88%.

Mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại cụm di tích đền – chùa Bà Tấm

Ảnh: Phạm Mạnh

100 lễ hội truyền thống trên địa bàn được tổ chức theo hướng văn minh, trang trọng, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.  Các hình thức sinh hoạt văn hóa với các nghi thức tế, rước truyền thống và các trò chơi dân gian được khôi phục đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham gia.

Tuy đạt được những kết quả tích cực tuy nhiên trước sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là mặt trái cơ chế thị trường,  cũng khiến các giá trị gia đình truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Tư tưởng  chạy theo vật chất, thiếu quan tâm đến giáo dục nhân cách trong gia đình, xuất hiện những biểu hiện  thiếu văn minh lịch sự tại nơi công cộng… đã ảnh hưởng đến việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai một số giải pháp: Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân: Mỗi công dân Hà Nội cần hiểu rõ vai trò của mình trong việc gìn giữ hình ảnh thủ đô; Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ năng ứng xử, giao tiếp văn minh. Hai là, xây dựng văn hóa công cộng.Đẩy mạnh phong trào “Văn hóa giao thông”, “Giữ gìn vệ sinh nơi công cộng”. Tạo môi trường sạch đẹp, khuyến khích người dân thực hiện nếp sống văn minh; Cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đô thị để tạo điều kiện cho người dân thực hành các giá trị văn hóa và ứng xử văn minh. Ba là, phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật và truyền thông. Sử dụng văn hóa nghệ thuật để lan tỏa các giá trị thanh lịch, văn minh. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kết hợp nội dung sáng tạo và gần gũi. Bốn là, khuyến khích các hoạt động văn hóa: Tổ chức các sự kiện, buổi lễ hội văn hóa để người dân có cơ hội tham gia, giao lưu và nâng cao tinh thần cộng đồng. Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua: Khuyến khích các phong trào thi đua trong cộng đồng để nâng cao ý thức về việc xây dựng văn hóa ứng xử, tạo dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Minh Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *