Văn hóa cơ sở

Huyện Phú Xuyên: Điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Phú Xuyên là huyện xa trung tâm Thủ đô, người dân sống phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng huyện lại được biết đến là một trong những điểm sáng của Thủ đô trong Phong trào xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH) ở cơ sở với 72,4% số làng đạt danh hiệu Làng Văn hóa, cao hơn mức trung bình của thành phố tới 27,8%.

Phú Xuyên cũng là địa phương duy nhất của Hà Tây cũ có làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân giữ vững được danh hiệu làng văn hóa nhiều năm liên tục theo tiêu chí của thành phố Hà Nội và được tuyên dương trong Hội nghị tổng kết 20 năm Thủ đô xây dựng làng văn hóa vừa qua. Bí quyết thành công của huyện đó là: Ban chỉ đạo Phong trào xây dựng làng văn hóa các cấp luôn quan tâm sâu sát, biết xác định đúng trọng tâm và có hình thức khen thưởng kịp thời.

Xác định đúng trọng tâm

Sau 20 năm xây dựng đời sống văn hóa, huyện Phú Xuyên có 85,4% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa, hơn 90% số làng có quy ước làng văn hóa, các hủ tục trong ma chay, cưới xin tồn tại dai dẳng hàng thế kỷ đã được loại bỏ. Đời sống của người dân tăng lên rõ rệt với 90% số hộ có kinh tế ổn định, có đời sống tinh thần phong phú; 100% đường làng ngõ xóm được bê tông sạch sẽ…

Có được kết quả trên là do BCĐ huyện xác định đúng và trúng trọng tâm khi vận động nhân dân xây dựng ĐSVH. So với các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô, Phú Xuyên không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng lại có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo, triển khai xây dựng phong trào, BCĐ huyện luôn chú trọng tới khâu xây dựng gia đình văn hóa, bởi gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách mỗi con người, nhiều gia đình văn hóa cộng lại sẽ thành một tập thể văn hóa.

Xuất phát từ đặc thù của huyện vừa có làng nghề truyền thống, vừa có làng khoa bảng lại có những làng thuần nông, BCĐ Phong trào của huyện đã không đưa ra một công thức chung cho các làng khi xây dựng làng văn hóa, mà hướng dẫn địa phương xây dựng quy ước văn hóa sao cho vừa phù hợp với đặc thù địa phương, đồng thời coi đó là thước đo để bình xét, đánh giá các danh hiệu văn hóa. Như làng Văn Minh, xã Văn Nhân có nghề mộc phát triển, nhân dân thu nhập cao thì quy uớc làng văn hóa của làng Văn Minh đề cao các tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, xây dựng đường làng ngõ xóm, xây dựng thiết chế văn hóa và các công trình công cộng. Làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung nổi tiếng với điệu múa hò cửa đình, múa bài bông thì quy ước của làng tập trung vào việc làm sao để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể…

Quan tâm sâu sát, khen thưởng kịp thời

Chỉ tính 10 năm trở lại đây, toàn huyện đã tổ chức 566 buổi học tập, triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy chế của TƯ, của thành phố và của huyện Phú Xuyên về công tác xây dựng đời sống văn hóa cho gần 116 nghìn lượt người, trong đó có hơn 20 nghìn lượt đảng viên. Con số đó phần nào nói lên sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền huyện Phú Xuyên đối với Phong trào TDĐKXDĐSVH.

Làng Văn hóa, làng nghề Vân Từ.

 Trưởng phòng VHTT, Phó ban Thường trực BCĐ Phong trào huyện Phú Xuyên cho biết: Để Phong trào phát triển sâu rộng, mọi hoạt động và phong trào thi đua của các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội của huyện đều gắn liền với 6 nội dung, 4 tiêu chuẩn của Phong trào TDĐKXDĐSVH. Uỷ ban MTTQ với Phong trào “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư”, mỗi năm có 90% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Đoàn thanh niên có phong trào “Áo xanh tình nguyện”, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, mỗi năm tổ chức cưới trang trọng, tiết kiệm cho hơn 1 nghìn đôi bạn trẻ. Hội Phụ nữ đã thành lập 274 câu lạc bộ các loại, tổ chức sinh hoạt thường xuyên, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội…

Ngoài ra, hàng năm, UBND huyện đều giao chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa cho các địa phương; đồng thời phân công cán bộ phụ trách theo cụm, xã. Cuối năm, huyện thành lập 7 đoàn kiểm tra, đơn vị nào đạt kết quả tốt sẽ được thưởng (làng văn hóa được công nhận lần thứ nhất được thưởng 3-5 triệu đồng, được công nhận lần 2 thưởng 1-3 triệu đồng; mỗi cơ quan được công nhận được thưởng 1-2 triệu…). Số tiền này tuy nhỏ nhưng có tác dụng cổ vũ, động viên các đơn vị thi đua xây dựng và giữ vững danh hiệu văn hóa. Năm 2019, huyện Phú Xuyên đã khen thưởng cho 28 gia đình và 31 tập thể có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH.

Để phong trào phát triển bền vững

Để đạt mục tiêu toàn huyện có 90% số hộ, 80% số làng, 50% cơ quan đạt danh hiệu văn hóa, huyện Phú Xuyên đã đề ra 9 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu vai trò, ý nghĩa của Phong trào.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung đề nghị: Các ngành chức năng nên quan tâm đầu tư trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh để người dân tham gia, giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Còn bà Phạm Thị Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, đơn vị 2 lần được công nhận là cơ quan văn hóa mong muốn Nhà nước đầu tư nhiều hơn đến hệ thống thư viện trường học, giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Và theo kinh nghiệm của gia đình văn hóa tiêu biểu Phạm Ngọc Mỹ, xã Sơn Hà thì mỗi cá nhân với tinh thần trách nhiệm cao, với ý chí phấn đấu không ngừng, với lối sống lành mạnh chính là thành tố quan trọng nhất góp phần xây dựng thành công các danh hiệu văn hóa.

Phú Cường

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *