Bên cạnh phát triển kinh tế – xã hội, việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện Quốc Oai đặc biệt chú trọng. Công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện.
Với mong muốn bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị truyền thống văn hóa Mường, năm 2016, huyện Quốc Oai đã triển khai Đề án số 12/ĐA-UBND-DT ngày 23/3/2016 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Sau 5 năm thực hiện, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, huyện Quốc Oai trở thành một trong 5 địa phương có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống tập trung của Thủ đô. Huyện Quốc Oai có 02 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số là xã Phú Mãn và xã Đông Xuân.
Bên cạnh phát triển kinh tế – xã hội, việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện Quốc Oai đặc biệt chú trọng. Công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Quá trình triển khai Đề án đã tạo sự phối hợp chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành đối với công tác bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc.
Sau 5 năm thực hiện Đề án số 12, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số hai xã miền núi Đông Xuân và Phú Mãn đã từng bước được nâng cao. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Quốc Oai đã thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường, chuyên mục Cồng Chiêng và chuyên mục Trang phục dân tộc. Cụ thể, đã mở được 6 lớp tập huấn với trên 300 lượt học viên tham gia, truyền dạy Cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các lớp truyền dạy Cồng chiêng đã thu hút được đông đảo người dân ở nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia.
Hàng năm, huyện Quốc Oai tổ chức tập huấn biểu diễn cồng chiêng cho đồng bào Mường.
Đến nay, hai xã Đông Xuân và Phú Mãn đã thành lập được các câu lạc bộ Cồng chiêng và dân ca, đặc biệt thành lập được câu lạc bộ Cồng chiêng trẻ ở thôn Lập Thành, thôn Cửa Khâu (xã Đông Xuân) và thôn Đồng Vỡ (xã Phú Mãn) với các thành viên trong độ tuổi học sinh phổ thông.
UBND huyện đã mua sắm 18 bộ cồng chiêng trang bị cho hai xã, trong đó mỗi thôn 01 bộ cồng chiêng. UBND huyện cũng mua sắm và cấp trang phục truyền thống cho hai đội Cồng chiêng, dân ca nòng cốt của hai xã.
Đội Cồng chiêng của hai xã cũng như của huyện Quốc Oai đã tham gia biểu diễn tại một số hoạt động, chương trình, hội diễn chào mừng tại các sự kiện như: Đại hội Thể dục thể thao huyện; Đại hội đại biểu Dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội, tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Để thu hút và lan tỏa hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc, hàng năm UBND huyện đều tổ chức các hội thi, sự kiện văn hóa như: Hội thi Nét đẹp bản Mường; hội thi thể thao dân tộc thiểu số; ngày hội văn hóa thể thao dân tộc thiểu số;; biểu diễn cồng chiêng, dân ca… thu hút đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia và cổ vũ, góp phần giáo dục ý thức cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Tiết mục tấu chiêng của đội văn nghệ xã Đông Xuân và Phú Mãn tại chương trình giao lưu chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III.
Cùng với đó, UBND các xã dân tộc miền núi cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống như: Tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (ngày 18/11) hàng năm; hội Xuân với nhiều trò chơi dân gian như Ném còn, Bắn nỏ…; lồng ghép hoạt động văn hóa dân gian trong các ngày hội, đại hội thể dục thể thao… Đặc biệt, xã Phú Mãn đã tổ chức Hội thi biểu diễn Cồng chiêng và dân ca và trưng bày sản phẩm đặc trưng dân tộc Mường.
Năm 2020, UBND huyện Quốc Oai đã tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, giai đoạn 2016 – 2020.
Những năm qua, đời sống văn hóa, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Quốc Oai đã được nâng cao rõ rệt. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển. Các lễ hội, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức phong phú cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, thế hệ trẻ đã có ý thức quan tâm, giữ gìn và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ngân Hà