Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, huyện Thanh Oai được biết đến là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng. Lấy du lịch văn hóa làm nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác, Thanh Oai đặt mục tiêu trong tương lai gần trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của Thủ đô.
Với bề dày lịch sử, văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ, đến nay, Thanh Oai có 266 di tích, trong đó có 151 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Cùng với đó là những lễ hội truyền thống phong phú và độc đáo, lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Tiêu biểu là đền Nội, thôn Bình Đà, xã Bình Minh có lễ hội Bình Đà được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội được tổ chức vào ngày 1- 6/3 âm lịch hàng năm tưởng nhớ công đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Đền Nội gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đất Bình Đà chính là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân xây dựng cơ nghiệp. Để tri ân công đức Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng Bình Đà đã lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt). Lễ hội Bình Đà là một trong những lễ hội lớn nhất vùng với hàng loạt các lễ nghi như: Ngày hội cầu phúc (ngày 1/3), lễ Nhật luân nhập tịch kì phước (2/3); lệ làm và dâng bánh Vía (6/3). Lễ hội Bình Đà được tổ chức đều đặn hàng năm, để Nhân dân Bình Đà và đông đảo con cháu Lạc Hồng từ khắp mọi miền tìm về tỏ lòng thành kính với Quốc tổ Lạc Long Quân. Tại đền Nội Bình Đà còn có Bức giá tượng (phù điêu) trên 1000 năm tuổi “độc nhất, vô nhị” chạm khắc hình tượng Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương, được công nhận Bảo vật quốc gia.
Lễ hội Bình Đà tưởng nhớ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân.
Cách Bình Đà không xa, ở thôn Song Khê, xã Tam Hưng có chùa Bối Khê và lễ hội chùa Bối Khê rất độc đáo. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại lâu đời, thuộc loại đẹp và xưa nhất còn lại ở nước ta. Qua một số lần trùng tu vào các thời Lê, Mạc, Nguyễn, đến nay chùa Bối Khê trở thành một trong những ngôi chùa hội tụ nhiều phong cách kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Bối Khê là ngôi chùa mang dạng thức “tiền Phật, hậu Thánh”. Nơi thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái, tiếp theo là tòa thiêu hương và thượng điện thờ Đức Thánh Nguyễn Bình An, người đời thường gọi là Đức Thánh Bối. Vào mùa hè, đến chùa Bối Khê, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những bông hoa sen trắng muốt nằm ẩn mình trong lớp lớp tán lá xanh, dân làng gọi là hoa sen cạn. Lễ hội truyền thống chùa Bối Khê diễn ra từ ngày mùng 10-12 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội chùa Bối Khê nổi tiếng với lễ cầu nước. Nét đặc sắc trong lễ cầu nước ở chùa Bối Khê là những nghi thức cầu đảo. Vì, xưa kia khoa học kỹ thuật chưa phát triển, không có hệ thống kênh mương tưới tiêu đồng ruộng như ngày nay nên việc trồng lúa lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hạn hán thì thiếu nước, mùa vụ khó khăn, còn lũ lụt thì ngập úng, mùa màng thất bát, làm cho đời sống gieo neo, vất vả. Người ta tin rằng có những vị thần làm ra mưa, mang lại mùa màng bội thu, đời sống tốt tươi…
Ở Thanh Oai, tại thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương còn có Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi lưu dấu ký ức về Bác khi Bác ở và làm việc tại đây 25 ngày đêm (19/02/1946 – 13/01/1947)…Nguồn di sản đồ sộ, quý báu là cơ sở để huyện Thanh Oai phát triển du lịch văn hóa – tâm linh.
Chùa Bối Khê – ngôi chùa cổ đặc trưng cho dạng thức “tiền Phật, hậu Thánh”.
Về Thanh Oai, du khách không chỉ được đắm mình trong vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của di tích và những lễ hội truyền thống đặc sắc, mà còn được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên của một miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với những ngôi làng cổ và các nghề truyền thống đặc sắc như: Làng Cự Đà (xã Cự Khê) chuyên làm tương và miến; làng Chuông (xã Phương Trung) làm nón lá; làng Ước Lễ (xã Tân Ước) làm giò chả; nghề điêu khắc Võ Lăng, lồng chim Canh Hoạch (xã Dân Hòa)…Bằng sự khéo léo và kinh nghiệm được kế thừa, nhiều nghệ nhân Thanh Oai đã tìm ra hướng đi mới để nghề truyền thống được tồn tại, phát triển nhằm nâng cao vị thế sản phẩm làng nghề. Với 51 làng đã được công nhận là làng nghề và làng có nghề, một trong những lợi thế nổi bật để Thanh Oai phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng so với các địa phương khác. Việc phát triển du lịch tại các vùng đất có nhiều làng nghề ngoài đem lại lợi ích kinh tế – xã hội, còn góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương.
Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, Thanh Oai còn sở hữu tài nguyên du lịch sinh thái với các điểm đến có cảnh quan đẹp như: Khu đầm Thanh Cao và Cao Viên, vườn cây ăn trái tại 7 xã ven sông Đáy…đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần và vui chơi giải trí của du khách.
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/BCĐ ngày 15-12-2016 về phát triển du lịch huyện Thanh Oai giai đoạn 2017 – 2020 và những năm tiếp theo, lượng khách đến với huyện Thanh Oai đã tăng đáng kể: Năm 2016, huyện đón khoảng 1.000 lượt khách thì đến gần cuối năm 2020, thu hút khoảng 50.000 lượt khách. Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách đến với Thanh Oai bị sụt giảm. Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch ở Thanh Oai chưa tương xứng với tiềm năng do những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe tại các điểm du lịch, nhà vệ sinh công cộng, điểm mua bán quà lưu niệm… Vì vậy, du khách đến với Thanh Oai chủ yếu là đi trong ngày, mức chi tiêu thấp nên doanh thu từ dịch vụ du lịch chưa cao.
Sản phẩm nón lá làng Chuông thu hút khách tham quan.
Để đánh thức và thúc đẩy tiềm năng du lịch phát triển, thời gian qua, huyện Thanh Oai đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại những nơi có tiềm năng du lịch; quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống gắn với xây dựng làng văn hóa làm tiền đề để du lịch văn hóa – lễ hội có bước đột phá. Trong năm 2021, huyện Thanh Oai quyết liệt chỉ đạo phát triển các sản phẩm du lịch, tìm ra những sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách, trong đó, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác như: Du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Điển hình là việc huyện đang tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch gồm: Dự án mở rộng không gian du lịch Lễ hội Bình Đà; dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ Cự Đà; đầu tư xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phục dựng lại những làng nghề truyền thống mang nét đẹp hoài cổ; tạo các tuyến du lịch theo chủ đề gắn với đặc thù vùng miền…nhằm tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi về với Thanh Oai.
Mai Chi