Thông qua buổi truyền thông, các em học sinh có thêm những kỹ năng để phòng chống bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng. Đồng thời, có cơ hội rèn luyện các kỹ năng quan trọng gắn với thực tiễn cuộc sống để bảo vệ được mình trước các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Mạng xã hội ngày càng phát triển và đã trở thành một phần không thể thiếu đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Trước sự phát triển của mạng internet, việc nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trên môi trường này đối với trẻ em là vô cùng cần thiết. Qua đó, giúp các em có kiến thức, kỹ năng để sử dụng mạng an toàn, hiệu quả. Xuất phát từ yêu cầu đó, vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì phối hợp với Trường THCS Tả Thanh Oai tổ chức truyền thông “Phòng ngừa bạo lực và phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng” năm 2024.
Buổi truyền thông đã cung cấp nhiều kiến thức thiết thực cho học sinh
Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện đã thông báo đến cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường về tình hình bạo lực xâm hại trẻ em và bạo lực học đường diễn ra thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Chỉ ra nguyên nhân, tác hại, hành vi bạo lực xâm hại trẻ em đối với tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển tâm sinh lý của các nạn nhân, cũng như sự lên án của xã hội và những hình phạt của luật pháp… đối với những thủ phạm gây ra các vụ bạo xâm hại trẻ em, bạo lực học đường. Đồng thời, báo cáo viên đã truyền tải, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích như: Tác dụng và tác hại của mạng xã hội; việc bạo lực và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng diễn ra như thế nào? Những thủ đoạn của kẻ bạo lực và xâm hại trẻ em; Hậu quả nặng nề của việc bị xâm hại đối với trẻ em, gia đình, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, buổi truyền thông cũng đã trang bị cho các em những kỹ năng để phòng chống bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng. Giúp các em hiểu sâu hơn về cách đề phòng và xử lý kịp thời khi gặp xâm hại kể cả trên mạng cũng như ngoài đời sống thường ngày.
Buổi truyền thông “Phòng ngừa bạo lực và phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng” là một hoạt động bổ ích không chỉ đối với các em học sinh mà còn đối với cả các thầy cô của nhà trường. Thông qua buổi truyền thông, các em học sinh có thêm những kỹ năng để phòng chống bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng. Đồng thời, có cơ hội rèn luyện các kỹ năng quan trọng gắn với thực tiễn cuộc sống để bảo vệ được mình trước các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Minh Phương