Văn hóa cơ sở

Huyện Thường Tín có thêm 2 đường phố mới được đặt tên

Huyện Thường Tín đã tổ chức lễ gắn biển cho 2 đường phố mới trong sự hân hoan, phấn khởi của Nhân dân trong khu vực. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, Nhân dân huyện Thường Tín khi có hai danh nhân của quê hương được chọn để đặt tên cho đường phố trong dịp này.

Sáng 10/12/2021, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 với 100% đại biểu có mặt (88/88) tán thành.

HĐND thành phố quyết nghị việc đặt tên mới cho 38 đường phố (trong đó có 20 đường phố mang tên địa danh và tên khác; 18 đường phố mang tên danh nhân) và 9 phố được điều chỉnh độ dài. Theo đó, huyện Thường Tín có hai đường phố mới được đặt tên là đường Dương Trực Nguyên và đường Lý Tử Tấn. Vừa qua, huyện Thường Tín đã tổ chức lễ gắn biển cho 2 đường phố mới này trong sự hân hoan, phấn khởi của Nhân dân trong khu vực. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, Nhân dân huyện Thường Tín khi có hai danh nhân của quê hương được chọn để đặt tên cho đường phố trong dịp này.

Thị trấn Thường Tín là nơi có hai tuyến đường mới được đặt tên chạy qua

Ảnh : Trí Đức

Đường Dương Trực Nguyên được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phi Khanh tại tổ dân phố Trần Phú – thị trấn Thường Tín, cạnh Trường THPT Thường Tín, đến cầu Thụy Ứng, xã Hòa Bình (Km0 – đường 427(71). Đường dài 1.580m,  rộng 16,5m (lòng đường 10,5m, vỉa hè mỗi bên 3m).

Dương Trực Nguyên quê làng Thượng Phúc, trấn Sơn Nam, bay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà ội. Ông đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất khi 33 tuổi, vào năm Hồng Đức thứ 21 đời Vua Lê Thánh Tông (1490). Ông làm quan 19 năm, trải qua bốn triều Vua: Lê Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục với nhiều chức vụ. Nhờ tài văn chương, ông là thành viên Hội Tao Đàn nổi tiếng do Vua Lê Thánh Tông tổ chức.

Năm 1492, Dương Trực Nguyên được cử giữ chức Hàn lâm viện hiệu lý, và năm sau thăng tiến làm Hiến sát sứ ty hiến sát sứ thừa tuyên Hải Dương. Tuy nhiên, năm 1493, vì tâu trái ý Vua, ông bị giáng xuống chức cũ.

Sau khi Vua Thánh Tông qua đời năm 1497, Vua Lê Hiến Tông lên ngôi đã cho Dương Trực Nguyên giữ chức Đông các hiệu thư, rồi thăng chức Lại khoa cấp sự trung. Năm 1499, ông được bổ nhiệm làm Phủ doãn Phủ Phụng Thiên. Nổi tiếng là người cương nghị, thẳng tay trừng trị cường hào và những người cậy quyền thế nên ông được lòng dân. Năm 1500, ông được Vua Lê Hiến Tông bổ nhiệm làm Đô đình úy quản lý Ty đình úy…

Sau khi Vua Lê Hiến Tông qua đời năm 1504, Vua Túc Tông nối ngôi cũng mất sớm, Vua Uy Mục lên ngôi đã cử Dương Trực Nguyên làm chánh sứ sang nhà Minh. Đến năm 1509,  Vua Lê Uy Mục bổ nhiệm Dương Trực Nguyên làm Đô ngự sử đài, chức quan trông coi việc hặc tấu, can gián nhà vua. Vua Uy Mục do không được lòng dân nên bị Giản Tu công Lê Oanh khởi binh từ Thanh Hoa, tiến đánh kinh thành ép phải nhường ngôi. Uy Mục cho Dương Trực Nguyên cùng với phó tướng là Lê Vũ thống lĩnh cầm quân ra chống lại, nhưng bại trận. Dương Trực Nguyên tử trận tại Châu Cầu, thọ 53 tuổi.

Huyện Thường Tín tổ chức gắn biển đường Dương Trực Nguyên và đường Lý Tử Tấn

Ảnh: Cổng Thông tin điện tử huyện Thường Tín

 Đường Lý Tử Tấn được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Dương Trực Nguyên tại tổ dân phố Trần Phú – thị trấn Thường Tín (đối diện Bảo hiểm xã hội huyện Thường Tín) đến ngã ba giao cắt đường liên xã Văn Bình, cạnh Trạm điện 550kv. Đường dài 1.430m, rộng: 7,5m.

Lý Tử Tấn (sau đổi là Nguyễn Tử Tấn) hiệu Chuyết Am, sinh năm 1378, quê ở làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ông thi đỗ Thái học sinh năm 1400, cùng khoa với Nguyễn Trãi, dưới triều Hồ Quý Ly, nhưng không ra làm quan. Sau khi Lê Lợi khởi nghĩa chống Minh, Lý Tử Tấn đã theo Lê Lợi và được giao giữ chức Văn cáo, tức là làm nhiệm vụ thảo công văn, giấy tờ, thư tín…Cuộc kháng chiến chống Minh kết thúc thắng lợi, vương triều Lê ra đời, Lý Tử Tấn lại có mặt trong công cuộc xây dựng vương triều mới.

Ông làm quan tới chức Nhập nội hành khiển tri tam quán kiêm Nhập thị kinh diên, trải ba đời vua: Lê Thái Tổ (1428 – 1433), Lê Thái Tông (1434 – 1442), Lê Nhân Tông (1443 – 1459).

Trong lịch sử văn học Việt Nam, tên tuổi Lý Tử Tấn gắn liền với bài Phú Xương Giang, ông viết để ca ngợi chiến công ngày 3/1/1427 của nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt bảy vạn quân Minh và bắt sống mấy trăm tướng lĩnh của giặc tại Xương Giang trong đó có Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Bên cạnh Phú Xương Giang, ông còn có hơn 20 bài phú khác, trong đó Chí Linh sơn phú, Triều tinh phú, Quân chu phú, Hội anh diện phú… là những bài có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh tình cảm nồng thắm đối với đất nước, lòng lo nước, thương đời của Lý Tử Tấn. Di sản phú của Lý Tử Tấn để lại được chép trong Hoàng Việt văn tuyển  Quần hiền phú tập.

Lý Tử Tấn sáng tác khá nhiều thơ nhưng thất lạc cũng nhiều, hiện chỉ còn hơn 70 bài nằm rải rác ở các sách Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển.

Lý Tử Tấn mất năm nào chưa rõ. Căn cứ vào bài tựa sách Việt âm thi tập, Lý Tử Tấn viết năm 1459, có thể suy đoán ông mất phải sau năm 1459.

Thanh Bình

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *