Hàng trăm di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, đăng ký, bảo quản; nhiều di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội đặc sắc, nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian được sưu tầm, tư liệu hóa.
Thường Tín là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời. Toàn huyện có 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 123 di tích đã được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố), trong đó có 25 ngôi chùa, 16 ngôi đền, 63 ngôi đình, 9 nhà thờ, 1 trường học, 1 nhà lưu niệm, 1 miếu, 1 bến, 2 lăng đá và 1 văn chỉ). Trong nhiều năm qua, huyện Thường Tín đã rất quan tâm đến công tác giữ gìn, phát huy giá trị di tích.
Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa (huyện Thường Tín ngày nay). Ảnh: Xuân Tiến
Để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, Nhân dân trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị di tích, huyện đã rất coi trọng vai trò của công tác tuyên truyền. Hàng năm, huyện tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa cho cán bộ quản lý. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản Văn hóa cho người dân qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt đoàn thể, qua nhiều hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam… Bên cạnh đó, huyện đã triển khai hiệu quả việc phân cấp quản lý toàn diện di tích cho địa phương. Qua đó từng bước nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý di tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội hoá công tác quản lý và bảo vệ di tích.
Chùa Pháp Vân – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia – điểm đến của nhiều du khách gần xa. Ảnh: Thủy Hương
Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định. Cùng với nguồn kinh phí được cấp, huyện đã huy động nguồn vốn xã hội hóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Nhờ vậy, hàng trăm di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, đăng ký, bảo quản; nhiều di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội đặc sắc, nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian được sưu tầm, tư liệu hóa.
Cùng với các giá trị văn hóa vật chất như hệ thống di tích đình, chùa, đền, quán, miếu, nhà thờ danh nhân… huyện Thường Tín còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như: Kho tàng tục ngữ, dân ca, các sinh hoạt lễ hội, các tích trò dân gian đậm nét nhân văn: Kéo lửa nấu cơm thi, các cuộc thi võ cổ truyền, hát trống quân, tuồng, chèo, chầu văn…Huyện đã xây dựng thương hiệu văn hóa tại nơi các di sản văn hóa phi vật thể được công bố, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống của Nhân dân địa phương.
Gắn liền với các di tích là các lễ hội. Trên địa bàn huyện hiện có 7 lễ hội quy mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Có những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung (xã Tự Nhiên); lễ hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội Chùa Mui (Tô Hiệu), lễ hội Chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội Đền Bộ Đầu (Thống Nhất)…Hàng năm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành bám sát, chỉ đạo, định hướng và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động lễ hội trên địa bàn cơ bản đã đi vào nền nếp, ổn định, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Phần lễ được tổ chức gọn nhẹ, trang nghiêm, tiết kiệm; nội dung phần tế, nghi lễ rước kiệu thực hiện theo nghi thức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao tạo không khí vui, phấn khởi cho du khách và Nhân dân dự hội.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản, huyện Thường Tín tiếp tục tăng cường tuyên truyền về công tác bảo tồn di sản văn hóa cho người dân; thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả; thực hiện tốt công tác xã hội hóa cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích…
Thu Vân