Di sản – Bảo tồn

Kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối năm 2020-2021 tại huyện Hoài Đức

Đợt khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối năm 2020 – 2021 đã thu được hơn 600 hiện vật với các chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt và hơn 106 nghìn mảnh gốm; phát hiện 19 mộ táng Ðông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau.

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có diện tích tự nhiên 118.446m2 nằm ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Đây là một trong những địa chỉ khảo cổ độc đáo của thành phố Hà Nội được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1969.

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối gồm: Gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng và gò Chiều Vậy. Trải qua nhiều cuộc khảo sát, thăm dò, khai quật và nghiên cứu từ trước đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều hiện vật, tư liệu mang dấu tích về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người cổ đại cách đây khoảng 3.000 năm. Theo thống kê, đợt khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối năm 2020 – 2021 đã thu được hơn 600 hiện vật với các chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt và hơn 106 nghìn mảnh gốm; phát hiện 19 mộ táng Ðông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau. Các hiện vật có loại hình phong phú, cung cấp nhiều thông tin quý giá về đời sống kinh tế, xã hội của cư dân Việt cổ như: Sự phát triển của nền nông nghiệp lúa nước, chế tác đồ đá, đồ gốm, luyện – đúc kim loại…cũng như trình độ kỹ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của con người ở nền văn hóa Đông Sơn, Ðồng Ðậu, Gò Mun thông qua những dụng cụ tinh xảo…

Hội nghị công bố kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối  năm 2020-2021.                 

(Ảnh: Phượng Nguyễn)

 Theo quy hoạch, đường vành đai 3.5 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức sẽ chạy qua khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Do đó, để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa quý giá song hành với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố, Viện khảo cổ học đề xuất phương án khai quật di dời nửa phía Tây và Tây Nam di chỉ với diện tích khoảng 8.696m2. Việc khai quật nhằm nghiên cứu và di dời các di tích, di vật trước khi xây dựng các công trình của khu đô thị, bổ sung hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội và góp thêm tư liệu nghiên cứu Hà Nội thời tiền – sơ sử.

Một số hiện vật khai quật được ở gò Dền Rắn.

Ảnh: Ngữ Thiên

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối – một trong những di tích có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, là niềm tự hào cũng như trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử quý báu của di chỉ. Thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn từ Trung ương tới địa phương đề xuất thành phố xây dựng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thành công viên lịch sử văn hóa, bảo tàng giới thiệu những hiện vật đã khai quật được và sớm hoàn thiện hồ sơ xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Mai Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *