Gia đình

Hà nội coi công tác phòng chống bạo lực gia đình là trọng tâm

Phòng, chống bạo lực gia đình là một vấn đề luôn được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về Gia đình của thành phố.  Do đó những năm qua, Thành phố đã triển khai thực hiện tốt nhiều hoạt của lĩnh vực này một cách […]

Phòng, chống bạo lực gia đình là một vấn đề luôn được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về Gia đình của thành phố.  Do đó những năm qua, Thành phố đã triển khai thực hiện tốt nhiều hoạt của lĩnh vực này một cách hiệu quả và thiết thực.

Trong vai trò là cơ quan chuyên môn chuyên trách, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân thành phố trong việc ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vụ gia đình… Đồng thời  Sở cũng phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý Nhà nước về Gia đình nói chung và phòng chống bạo lực gia đình nói riêng; hướng dẫn phòng văn hóa và Thông tin quận, huyện, thị xã triển khai tổ chức thực hiện một cách cụ thể.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống  bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện
Sở phối hợp với các cơ quan truyền thông của Thành phố như:  Đài Phát thanh và Truyền hình  Hà Nội, Báo Màn ảnh Sân Khấu, Báo Hà Nội mới… tổ chức tuyên truyền về các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của Gia đình Hà Nội; các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước về lĩnh vực gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng…
Sở cũng tổ chức tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động phối hợp với Ủy ban phổ biến Giáo dục pháp luật thành phố tuyên truyền giới thiệu luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới và biên soạn nội dung, in phát hành 50.000 tờ rơi, tờ gấp về bạo lực gia đình, truyền tải bộ sách giáo dục đời sống gia đình và các văn bản Luật cho cơ sở để tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo người dân. Phối hợp với Sở Tư pháp, Tòa án, Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình thành phố Hà Nội. Phối hợp với Trung tâm thông tin Triển lãm Thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên hệ thống phát thanh từ thành phố tới cơ sở; tổ chức triển lãm ảnh “Nét đẹp văn hóa gia đình người Hà Nội”; xây dựng phim tài liệu tuyên truyền về “Gia đình văn hóa”…

blg_copy

gd3

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn hướng dẫn, tuyên truyền tới cơ sở xây dựng tiêu chí Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Tổ dân phố văn hoá phải là những gia đình, làng, tổ dân phố không có tình trạng bạo lực xảy ra trong gia đình, không có tình trạng ngược đãi đối với trẻ em, người già, phụ nữ, không có tình trạng tảo hôn ở địa phương. Đồng thời hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan cùng cấp tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) hàng năm. Do đó trong những ngày này, 100% các xã, phường, thị trấn  trên địa bàn Hà Nội thực hiện tuyên truyền trực quan như treo panô, áp phích, băng zôn khẩu hiệu tại các trục đường chính, điểm nút giao thông quan trọng tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của ngày gia đình; tuyên truyền Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, các thông điệp truyền thông về công tác phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới …  nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi tới gia đình, cộng đồng xã hội.
Thông qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình hàng tháng của nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã chú trọng nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới …  Qua đó đã góp phần trang bị, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình trong sinh hoạt cá nhân, cộng đồng và trong sự phát triển kinh tế xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.

Công tác phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Đây là lĩnh vực được đánh giá dựa trên hoạt động của các câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình. Kể từ khi triển khai mô hình này, đến nay Hà Nội có hơn 200 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình hoạt động một cách hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là với chị em phụ nữ, đối tượng đã và đang là nạn nhân nhiều nhất của nạn bạo lực gia đình.
Những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã làm tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với hội Liên hiệp phụ nữ, Trung tâm y tế, phòng Tư pháp cùng cấp xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên về công tác phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng. Qua quá trình thực hiện, có thể nói đến nay mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên về phòng, chống bạo lực gia đình đã phát huy được vai trò chủ động, nhiệt tình. Họ thường xuyên phối hợp với Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương có các biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực gia đình.
Không chỉ  triển khai thí điểm hai mô hình và các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình là: phường Vĩnh Phúc (Ba Đình) và thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên), Sở Văn hóa  và Thể thao Hà Nội còn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm 10 câu lạc bộ và 10 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại đây.
Ngoài ra, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo phụ trách công tác gia đình quận, huyện, thị xã; hội viên, Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố. Tổ chức, kiểm tra đánh giá định kỳ hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, từ năm 2010-2012, Sở đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng và duy trì hoạt động trong 3 năm cho 29 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn Hà Nội, trong đó mỗi câu lạc bộ trung bình từ 25 đến 30 gia đình.
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 6/2015 Hà Nội có 50 cơ sở bảo trợ xã hội, 825 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 403 cơ sở tư vấn bạo lực gia đình. Hầu hết các cơ sở trên đều tiếp nhận nạn nhân vụ việc bạo lực gia đình và phát huy vai trò tích cực trong xử lý cũng như tuyên truyền, vận động người có hành vi  bạo lực gia đình đảm bảo các vụ việc không tái diễn.
Theo quy định của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cứ  định kỳ 6 tháng, 01 năm phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Sở.  Kết quả cho thấy các vụ việc bạo lực gia đình đã có chiều hướng giảm cả về chất lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đó là dấu hiệu khẳng định hiệu quả và thành công bước đầu của mô hình. Đến nay, Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động của mạng lưới địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; các nhà tạm lánh, các cơ sở bảo trợ xã hội, thiết lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình.

Công tác can thiệp, xử lý vi phạm trong các vụ việc bạo lực gia đình.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, Thị xã hướng dẫn và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình;  phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở cơ sở như hội Liên hiệp phụ nữ, đoàn Thanh niên, hội CCB… can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình.  Đến tháng 5/2015, toàn thành phố có hơn 300 vụ việc bạo lực gia đình, trong đó 100% các vụ việc được can thiệp, xử lý kịp thời. Các biện pháp được áp dụng chủ yếu  trong công tác can thiệp, xử lý vi phạm trong các vụ việc bạo lực gia đình là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; hòa giải tại gia đình… Có thể nói thời gian qua, sự vào cuộc phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân chính là yếu tố chính làm nên những thành công bước đầu của công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình của thành phố Hà Nội giai đoạn 2008-2015, có thể nói rằng: Hà Nội đã làm tốt công tác này.  Những năm qua, thành phố đã kịp thời ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy cán bộ chuyên trách về công tác gia đình giúp cho cấp uỷ Đảng, chính quyền, các  ban, ngành, đoàn thể các cấp thuận lợi  trong công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai. Công tác quản lý nhà nước về gia đình được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, việc tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực tập trung vào những giá trị nhân văn mới, về phòng chống bạo lực gia đình. Mô hình Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, một trong những bằng chứng cho thấy chỉ sau một năm xây dựng thí điểm, chính quyền đã nhận thấy tác dụng của mô hình trong đời sống xã hội đã quyết định nhân rộng mô hình.
Tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là công tác phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai trong bối cảnh Hà Nội có nhiều biến động do việc mở rộng địa giới hành chính và việc sáp nhập cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, thiếu cán bộ chuyên môn, chuyên trách về công tác gia đình đặc biệt ở cấp xã, (hầu hết là cán bộ văn hóa xã hội kiêm nhiệm) nên việc tổ chức, hoạt động về công tác gia đình nói chung và và công công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng chưa cao.  Một số cơ sở còn triển khai xây dựng mô hình chậm, do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa được tập huấn, đào tạo. Khi xảy ra vụ việc bạo hành, các gia đình thường giấu diếm, coi đây là chuyện riêng tư, không báo cáo chính quyền, nên khó nắm bắt và giải quyết kịp thời. Những người phụ nữ bị bạo hành còn cam chịu, thiếu sự quyết liệt, không hợp tác với chính quyền để xử lý các đối tượng gây bạo hành. Hình thức phạt đối với các đối tượng gây bạo lực gia đình còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống bạo lực gia đình của Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020
Triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn 2011-2020.
Tiếp tục thực hiện triển khai và nhân rộng mô hình can thiệp Phòng, chống bạo lực gia đình theo Chỉ thị số 146/CT-BVHTTDL ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 9 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về hành động thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 05 tháng 06 năm 2014 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
Tiếp tục thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình Theo thông tư số 23/2011/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Xây dựng đường dây tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trên địa bàn toàn thành phố. Tư vấn, hỗ trợ về pháp lý và sức khoẻ cho nạn nhân bạo lực và người có hành vi bạo lực trong gia đình, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực tại địa phương. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục, truyền thông thay đổi nhận thức, tăng cường chia sẻ công việc gia đình giữa nam và nữ.

Huyền Chi

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *