Gia đình

Kết quả thực hiện Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới của ngành Văn hóa, Thể thao

Có thể nói giai đoạn 2011-2015, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã thực hiện khá tốt Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới của ngành.

Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với nội dung là 7 mục tiêu và các giải pháp thực hiện của từng mục tiêu. Trên cơ sở của Chiến lược này, Hà Nội đã ban hành kế hoạch bình đẳng giới trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô giai đoạn 2011-2015 triển khai thực hiện tới các phòng, ban đơn vị trong toàn ngành. Tính đến nay, sau gần 5 năm thực hiện, công tác bình đẳng giới trên địa bàn Hà Nội đã và đang mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
 Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Quán triệt những nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch bình đẳng giới trong ngành Văn hoá thể thao và Du lịch Hà Nội giai đoạn 2011-2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện cụ thể như: Kế hoạch số 40/KH-VHTT&DL-NSVH ngày 03/02/ 2012 về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch số 3015/KH-VHTT&DL-NSVH ngày 09/10/2012 về triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013;  Kế hoạch số 1447/KH-VHTT&DL-NSVH ngày 04 tháng 6 năm 2013 về việc Điều tra, khảo sát về thực trạng thời gian tham gia công việc gia đình của nữ giới ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở quan tâm, ưu tiên đối tượng cán bộ nữ phù hợp với đặc trưng của ngành nghề, đặc biệt là ngành biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao trong đó chú trọng tới đội ngũ nữ diễn viên, vận động viên và huấn luyện viên.  Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cơ bản về giới và bình đẳng giới, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là đội ngũ làm công tác giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác quản lý nhà nước về gia đình.
Sở cũng hướng dẫn Phòng Văn hoá và Thông tin các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hoá, đưa tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào bình xét các danh hiệu văn hoá. Lồng ghép các kiến thức về giới và bình đẳng giới vào các nội dung hoạt động trong hệ thống thiết chế văn hoá, các buổi sinh hoạt định kỳ nhằm đạt được mục tiêu gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Anh minh hoa Binh dang gioi 1

Về công tác tuyên truyền
Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm bảo đảm thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như: Tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao và gia đình, đặc biệt lồng ghép qua các hoạt động phong trào xây dựng đời sống văn hoá – xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Thành phố xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Luật bình đẳng giới. Biên soạn 12.000 tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền văn bản, chính sách về bình đẳng giới tới cơ sở, thông qua đó nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong việc tham gia vào lĩnh vực giáo dục đào tạo, lao động việc làm và phân chia tài sản.
Với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: tổ chức thực hiện tuyên truyền gắn với nhiệm vụ chính trị toàn ngành, thông qua các cuộc tập huấn, báo cáo chuyên đề, sinh hoạt ngoại khoá, tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng, lồng ghép thông qua các hoạt động hàng năm của ngành tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và gia đình… các nội dung về bình đẳng giới đã thu hút các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, thị xã phối hợp với đài truyền thanh cùng cấp triển khai công tác tuyên truyền Luật bình đẳng giới trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn và lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt của hệ thống câu lạc bộ, sinh hoạt nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố.
Qua nhiều hình thức khác nhau được thực hiện cho thấy hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên ở các cấp, các ngành và nhân dân để thực hiện tốt bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, coi việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và mọi cá nhân.

Những kết quả đáng ghi nhận
Nhằm thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản và triển khai thực hiện bình đẳng giới gắn với hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và công tác gia đình. Những năm qua, Sở đã có nhiều hoạt động lồng ghép về bình đẳng giới trong các dịp tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tháng hành động vì trẻ em, hoạt động hè và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Và trong những ngày này, bao giờ cũng có các hoạt động tổ chức các lớp tập huấn hoặc hội thảo về bình đẳng giới. Đặc biệt là trong các kế hoạch của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch về công tác gia đình trong các ngày như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm và tháng cao điểm chiến dịch truyền thông ngày Quốc tế Xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và bình đẳng giới trong gia đình (25/11), bên cạnh việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, Sở đều có lồng ghép việc triển khai thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới.
Kịp thời chuyển tải các nội dung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành từ tỉnh đến cơ sở và trong nhân dân.  Ngoài ra,  Sở cũng thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát nhằm đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình. Chú trọng xây dựng mô hình các câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, thu hút sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này.
Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã chọn 05 xã tham gia thực hiện mô hình xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới như: xã Trung Châu huyện Đan Phượng, xã Uy Nỗ huyện Đông Anh, xã Dương Xá huyện Gia Lâm, xã Đông La huyện Hoài Đức, Thượng Cát huyện Từ Liêm. Tổ chức hội nghị tập huấn cho 340 thôn đại diện cho các xã của 17 huyện để hướng dẫn tiêu chí, điều kiện lựa chọn danh sách các xã tham gia thực hiện mô hình xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trên địa bàn thành phố.
Năm 2013, Sở đã thực hiện cuộc điều tra, khảo sát về thực trạng thời gian tham gia công việc gia đình của nữ giới ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với mục tiêu: thống kê và đánh giá một cách khoa học về quan niệm và thực trạng về sự tham gia các công việc gia đình của cán bộ nữ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; làm cơ sở đề xuất cho nghiên cứu trên diện rộng đối với sự tham gia công việc gia đình của phụ nữ trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở khuyến nghị chính sách và giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của Ngành.
Việc bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, thời gian qua cũng được ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội thực hiện khá tốt, lồng ghép vào nhiệm vụ chuyên môn. Kết quả, rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam giới. Số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện kịp thời và được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Số người gây bạo lực gia đình được phát hiện xử lý và tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc xây dựng và triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới vào các thiết chế văn hóa hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Có thể nói giai đoạn 2011-2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã thực hiện khá tốt Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới của ngành. Sở đã chủ động tham mưu, triển khai các văn bản về bình đẳng giới tới cơ sở đảm bảo thống nhất trên địa bàn Thành phố. Lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật bình đẳng giới vào nội dung phòng chống bạo lực gia đình bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên trong quá trình triển khai Luật bình đẳng giới vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một lĩnh vực mới nên sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa có tính chặt chẽ và đồng bộ. Mặt khác, nhận thức của các thành viên ban cơ sở về công tác của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ còn hạn chế nên hiệu quả hoạt động chưa cao, có đơn vị còn nhầm lẫn giữa nhiệm vụ của ban với hoạt động của Hội phụ nữ, cho rằng hoạt động của Ban là hoạt động của Hội phụ nữ, nên việc đầu tư con người và thời gian cho công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Hơn thế nữa, kinh phí dành cho hoạt động bình đẳng giới còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của ban cơ sở.
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Bình đẳng giới ngành Văn hóa, Thể thao Hà Nội giai đoạn 2015-2020
– Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và sự phối hợp liên ngành về bình đẳng giới.. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới
– Rà soát, thống kê cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao  đánh giá chất lượng nam, nữ có học vị trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Văn hóa và Thể thao,  đánh giá về đầu vào về đội ngũ cán bộ. Từ đó xây dựng đề án, chương trình đào tạo, cử cán bộ đi đào tạo trong và ngoài nước và tuyển dụng các vị trí công tác có học vị thạc sỹ, tiến sỹ.
– Tiếp tục hoàn thiện báo cáo thời gian tham gia công việc gia đình của nữ giới ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Qua đó đề xuất, kiến nghị phù hợp đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành văn hoá, Thể thao và gia đình.
– Xây dựng đường dây tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trên địa bàn toàn thành phố. Tư vấn, hỗ trợ về pháp lý và sức khoẻ cho nạn nhân bạo lực và người có hành vi bạo lực trong gia đình, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực tại địa phương. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục, truyền  thông thay đổi nhận thức, tăng cường chia sẻ công việc gia đình giữa nam và nữ.
– Bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp, đảm bảo mỗi cấp, ngành đều có cán bộ làm công tác bình đẳng giới; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt ở thôn, tổ dân phố.
– Huy động nguồn lực cho các hoạt động bình đẳng giới. Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động của công tác bình đẳng giới từ Thành phố đến cơ sở.

        Lan Hương

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *