Văn hóa

Kết tinh và lan tỏa

Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước; là nơi hội tụ, kết tinh, nhưng đồng thời cũng là nơi lan tỏa văn hóa của cả dân tộc. Vì vậy, Hà Nội phải đi đầu trên mọi phương diện, trước hết là tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng con […]

Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước; là nơi hội tụ, kết tinh, nhưng đồng thời cũng là nơi lan tỏa văn hóa của cả dân tộc.

Vì vậy, Hà Nội phải đi đầu trên mọi phương diện, trước hết là tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh. Đây không chỉ là mong muốn mà là đòi hỏi của Nhân dân cả nước đối với Hà Nội.
Từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010), Thành ủy đã xây dựng riêng một Chương trình về xây dựng văn hóa với mục tiêu tiếp tục xây dựng, bồi đắp, phát huy những nét đẹp văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, tiêu biểu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô. Trong đó tập trung vào 3 nội dung lớn là phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Sau nhiều năm kiên trì với những giải pháp đồng bộ, những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội; truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư đã được kế thừa và phát huy. Văn hóa, ứng xử trong cộng đồng cũng có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nghệ ngày càng phát triển thì cùng với cái hay, cái tốt của nhân loại cũng có không ít cái sai, cái xấu, cái độc hại theo đó tràn vào, có lúc, có nơi, cái xấu lấn át cái tốt, cái tích cực. Tư tưởng thực dụng, coi giá trị đồng tiền cao hơn giá trị nhân văn, đạo đức của một bộ phận giới trẻ đã và đang làm tha hóa ít nhiều giá trị đạo đức truyền thống. Đặc biệt, Hà Nội lại là Thủ đô – nơi hội tụ văn hóa các vùng miền, nơi giao thoa, kết tinh, lan tỏa. Đây vừa là cơ hội để làm phong phú văn hóa của Thủ đô, nhưng cũng là những thách thức không nhỏ trong tiến trình xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Việc Hà Nội ban hành 2 Quy tắc ứng xử, đó là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” chính là thể hiện quyết tâm hướng tới xây dựng một chính quyền phục vụ, một xã hội văn minh. Cho tới nay, 2 Quy tắc ứng xử đã được triển khai thực hiện được hơn một năm và bước đầu đã có sự lan tỏa, tác động đến ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học. Bởi để giữ gìn truyền thống của một Thủ đô văn hiến, không chỉ cần có diện mạo đô thị hiện đại, thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp mà còn phải có những con người đẹp, đẹp về văn hóa, tâm hồn, trí tuệ, đẹp về phong cách, lối sống, đẹp trong ứng xử giữa người với người.
Theo Kinh tế & Đô thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *