Vào những ngày đầu năm, rất nhiều gia đình Việt Nam thường thực hiện nghi thức “khai bút đầu xuân” hay còn gọi là “khai bút tân xuân” hoặc “minh niên khai bút” với ước mong một mùa xuân may mắn, thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới và vạn sự tốt lành trong […]
Vào những ngày đầu năm, rất nhiều gia đình Việt Nam thường thực hiện nghi thức “khai bút đầu xuân” hay còn gọi là “khai bút tân xuân” hoặc “minh niên khai bút” với ước mong một mùa xuân may mắn, thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới và vạn sự tốt lành trong năm mới.
Khai bút đầu xuân đã có từ rất lâu đời trong văn hóa của người Việt chúng ta. Theo quan niệm của người xưa, tục Khai bút đầu xuân mang ý nghĩa linh thiêng và thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc. Bởi đối với người Việt, cây bút là một công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong đời sống. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… Không chỉ có những người gắn với nghiệp cầm bút thì mới khai bút mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng của mình trong năm mới hay tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.
Để thực hiện nghi thức khai bút, thông thường người ta sẽ chọn ngày giờ tốt và cẩn thận chọn những từ, những câu thật ý nghĩa để khai bút. Trước đây, chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng Giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm bút thảo những câu đối hay, những bài thơ hay những chữ có ý nghĩa trên giấy đỏ (giấy hồng điều) hoặc giấy hoa tiên (giấy có vẽ hoa). Ngày nay, mặc dù tục khai bút không còn đậm đà ý nghĩa như xưa nhưng đối với những gia đình có truyền thống hiếu học, đặc biệt là giới văn sĩ, thi sĩ, báo chí, học sinh… vẫn còn rất coi trọng nghi thức này.
Theo quan niệm dân gian, những chữ “khai bút đầu xuân” phải do mình tự nghĩ ra, chứ không nên sao chép của người khác. Đó có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, nó cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử…
Phong tục Khai bút đầu xuân thường gắn liền với phong tục cho chữ, cũng là một trong những giá trị văn hóa vui xuân đáng được gìn giữ và lưu truyền trong những ngày Tết.
Nhiều khi sự khai bút cũng chỉ có tính cách tượng trưng, chẳng hạn như viết lên giấy hồng điều vài chữ: ngày, tháng, năm… “khai bút đại cát” hay “tân xuân đại cát” (nghĩa là đầu năm mới khai bút để gặp được những điều tốt lành lớn). Có người thì viết những bài thơ ngẫu hứng vừa mới sáng tác, cũng có người viết những câu ca dao, tục ngữ thể hiện ý nguyện của mình trong năm mới.
Tục khai bút đầu xuân không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta mà còn thể hiện tính Chân -Thiện -Mỹ và được thổi vào đó một ý nghĩa tâm linh chính là ước nguyện trong năm mới của người thực hiện nghi thức này. Chính vì vậy, nếu viết chữ đẹp thì người viết tin rằng cả năm sẽ hanh thông, suôn sẻ. Kỵ nhất là đầu năm viết chữ đầu tiên mà viết mấy từ có ý nghĩa xấu. Lại tối kỵ những trục trặc như cây viết hư hoặc bút hết mực…
Khai bút đầu xuân là một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong những ngày đầu năm. Mặc dù trải qua thời gian dài có những biến đổi của thời cuộc, văn hóa Việt Nam chúng ta cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng từ những nền văn hóa khác, song tục khai bút đầu xuân vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đây là một phong tục nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc cần được gìn giữ và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau.
Quách Hương