Ngày 28/8, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 75 năm ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (05/9/1945 – 05/9/2020), 75 năm ngày Bình dân học vụ (08/9/1945 – 08/9/2020), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày “Chắp cánh ước mơ”.
Trưng bày được chia làm 3 phần: “Ký ức mùa khai trường”, “Biến Nhà tù thành trường học cách mạng” và “Xây đắp những ước mơ” giới thiệu tới người xem nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh về mùa thu lịch sử cách đây 75 năm, về một dân tộc bị nô dịch với thất học và nghèo đói, đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Trong đó phần “Ký ức mùa khai trường” đưa người xem trở lại những ngày tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một nền giáo dục mới, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Tái hiện không khí học tập sôi nổi với phương châm: Con không biết thì học cha, ông không biết thì học cháu; người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết. Sau 1 năm (1946) đã tổ chức 74.957 lớp học với 95.665 giáo viên, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người.
Chủ đề “Biến nhà tù thành trường học cách mạng” cho người xem thấy niềm khát khao học tập, tiếp nhận tri thức để phục vụ cách mạng, phụng sự dân tộc ở ngay trong những nhà tù của thực dân đế quốc. Đó là những “trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “trường học giữa biển khơi” tại Nhà tù Côn Đảo, “trường học trên cát” tại Nhà giam tù binh Phú Quốc… Những lớp học lớn mạnh ở ngay những nơi gian khổ nhất, đã góp phần cổ vũ tinh thần, tôi luyện lý tưởng cách mạng, trong đó thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự đóng góp không nhỏ của các chiến sĩ từng học tập tại các lớp học trong lao tù.
Với chủ đề “Xây đắp những ước mơ”, những câu chuyện về khát vọng học tập và nỗ lực thực hiện khát vọng ấy từ những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục cho thấy giá trị, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, qua đó lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng những tấm lòng biết sẻ chia và giàu lòng nhân ái.
Đến với trưng bày “Chắp cánh ước mơ”, người xem sẽ ngạc nhiên trước hình ảnh của các lớp học đặc biệt với tường cao, song sắt lạnh lẽo; những lớp học với nhà tranh, mái lá đơn sơ; hay những lớp học trong không gian bệnh viện. Bên cạnh đó, những tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng học tập trong tù và trong quá trình đấu tranh cách mạng sau khi được trả tự do cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng, như: Sách – Đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 – 1952; Bi đông – Đồng chí Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo lớp học trên cát tại Trại giam Phú Quốc được cấp sau khi trao trả ở bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 26/3/1973; Thẻ số tù – Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) cấp cho đồng chí Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1952 – 1953…
Tại lễ khai mạc trưng bày, đại biểu và du khách sẽ được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử và đại diện gia đình các nhân chứng đã trực tiếp tham gia vào các lớp học đặc biệt năm xưa.
Nhân dịp này, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phát động chương trình ủng hộ cho các bệnh nhi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nối dài nhịp cầu yêu thương đến với tri thức cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Trưng bày “Chắp cánh ước mơ” sẽ kéo dài đến hết tháng 12 năm 2020. Khách tham quan phải tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện giãn cách.
Minh Trí
Theo MaskOnline