Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam 2018” sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25-11 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2, Hoa Lư) nhằm hướng tới Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Lung linh sắc màu di sản Đây là sự kiện do Trung tâm Triển […]
Lung linh sắc màu di sản
Đây là sự kiện do Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Tháp tổ chức.
Chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận.
Không gian triển lãm áo dài được thiết kế đẹp mắt. |
Khu vực trưng bày của các tỉnh, thành phố với chủ đề “Di sản văn hóa các vùng miền” sẽ làm nổi bật giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của từng địa phương đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản của địa phương.
Có thể kể đến những di sản nổi bật như: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan – Phú Thọ; cao nguyên đá Hà Giang; quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình; khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Hải Phòng; hồ Ba Bể (Bắc Kạn); lễ hội Cầu ngư, lễ hội yến sào Khánh Hòa; hò ví dặm Nghệ An; cồng chiêng Tây Nguyên…
Bên cạnh đó, chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, lễ hội cũng là mảng không gian sôi động, những nét đặc trưng di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh như: Hát xoan, quan họ, diễn xướng Nhã nhạc cung đình, đờn ca tài tử, hò ví giặm, hát then cổ, diễn xướng dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết, nhân dịp này sẽ thực hiện chương trình “Sắc màu Di sản văn hóa Việt Nam” tại phố đi bộ Hồ Gươm để giới thiệu rộng rãi hơn nữa các loại hình di sản dân tộc tới đông đảo công chúng ở Thủ đô.
Tôn vinh áo dài Việt Nam
Một trong những nội dung hấp dẫn của “Không gian di sản văn hóa Việt Nam 2018” là khu vực giới thiệu riêng về Áo dài Việt Nam do Bảo tàng Áo dài thực hiện. Khách tham quan sẽ được giới thiệu lịch sử áo dài Việt Nam thông qua những tư liệu, hình ảnh và hiện vật về áo dài Việt từ khi hình thành đến nay như: Áo dài tứ thân, áo dài năm thân, áo dài vương triều, áo dài Lemur, áo dài cổ cao, áo dài cổ thuyền…
Du khách sẽ được khám phá, tìm hiểu lịch sử áo dài Việt Nam. |
Cùng với đó là phần trưng bày áo dài đương đại của các nhà thiết kế nổi tiếng như: Sĩ Hoàng, Thuỷ Nguyễn, Adrian Anh Tuấn, Tùng Vũ, Magonn, Hữu La La… Ngoài ra, tại khu trưng bày sẽ diễn ra hoạt động hướng dẫn vẽ những mẫu áo dài trên giấy của họa sĩ và nghệ nhân áo dài.
Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là hoạt động giáo dục giới trẻ trong việc phát huy giá trị di sản dân tộc. Ban tổ chức cho biết, các em thiếu nhi từ 6 đến 10 tuổi sẽ được tham gia hoạt động tương tác “Thiếu nhi với di sản văn hóa Việt Nam”, thực hiện vẽ tranh di sản bằng chì, bột màu, sáp hoặc các chất liệu khác…
100 tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn, trưng bày tại triển lãm. Sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội sẽ được tham gia chương trình giao lưu và thi tìm hiểu về di sản “Tuổi trẻ với di sản văn hóa”.
Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam 2018” là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, thông qua hình thức tuyên truyền trực quan, góp phần quảng bá hiệu quả về di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.