Được xây dựng tại vị trí trung tâm Thủ đô, với phong cách thiết kế theo lối kiến trúc Tân Cổ điển, có 6 tầng nổi, 3 tầng hầm, gồm khán phòng chính lên đến 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật, Nhà hát Hồ Gươm hội đủ các điều kiện để trở thành tâm điểm của các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật…
Cùng dự có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo qua các thời kỳ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của văn hóa, xác định văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Hiện nay, bên cạnh việc phát triển kinh tế – xã hội, Đảng và Nhà nước ta quan tâm phát triển các thiết chế văn hóa, nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, trình độ hưởng thụ văn hóa của nhân dân, qua đó phát triển tiến bộ của xã hội, của quốc gia và dân tộc chúng ta.
Việc đầu tư xây dựng công trình Nhà hát Hồ Gươm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về văn hóa và cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và cắt băng khánh thành nhà hát. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nhà hát Hồ Gươm là một thiết chế văn hóa nghệ thuật hiện đại, kết nối với công trình văn hóa, lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hóa tại Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Hòa bình”, đây là một trong những công trình kiến trúc văn hóa mang tính biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân và góp phần tô thắm thêm biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công an và các bộ, ban, ngành liên quan và thành phố Hà Nội quản lý, vận hành Nhà hát Hồ Gươm khoa học, hiệu quả, có phương án kết nối với các công trình văn hóa nghệ thuật khác để tạo không gian văn hóa nghệ thuật góp phần quảng bá văn hóa, du lịch của Thủ đô Hà Nội, của đất nước, góp phần để Nhà hát được tạo ra những sản phẩm có giá trị và nhân dân được hưởng thụ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần vật chất của nhân dân nói chung và của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng…
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, lực lượng Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tổ chức, thực hiện hiệu quả những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quản lý, vận hành hiệu quả Nhà hát Hồ Gươm để lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật trong nước và bạn bè quốc tế, đây là những tình cảm của lực lượng Công an nhân dân với nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
Sau lễ khánh thành là chương trình biểu diễn nghệ thuật, với các ca khúc trữ tình cách mạng nổi tiếng như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký… cùng sự biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Mặt trời.
Một số hình ảnh tại chương trình: