Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Công văn số 3959/UBND-NC ngày 10/11/2021 của UBND TP Hà Nội về nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng.
Công văn nêu rõ: Nhằm nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn Thành phố, phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong tầng lớp Nhân dân, giai tầng xã hội để thi đua thực tế hơn, tránh hình thức, thấm sâu từng cơ quan, đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng, đồng thời tránh hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội thành phố, các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thuộc thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung cụ thể.
Theo đó, quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng trong công tác thi đua, khen thưởng, tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng xét, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. Tăng cường khen thưởng theo thẩm quyền, trong đó, quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đơn vị cơ sở và người lao động trực tiếp, trường hợp đặc biệt tiêu biểu xuất sắc có thể đề nghị khen thưởng cấp cao hơn. Khi xét và đề nghị khen thưởng cần lưu ý “thành tích đến đâu khen đến đấy”, không nhất thiết khen lần sau phải cao hơn lần trước. Chú trọng phát hiện nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để kịp thời khen thưởng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, xây dựng và điều chỉnh, hoàn thiện quy chế, tiêu chí xét khen thưởng và các quy định, văn bản về thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị. Quan tâm nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ, xét khen thưởng và đề nghị khen thưởng, coi đây là khâu quan trọng, quyết định đến hiệu quả và chất lượng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Khi thực hiện xét, đề nghị khen thưởng và phong tặng danh hiệu thi đua đối với tập thể, cá nhân cần lưu ý: Việc khen thưởng và đề nghị khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đột xuất, khen thưởng tổng kết năm, khen thưởng cấp Nhà nước… cần thực hiện đúng quy định của Luật Thi đua Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, thành phố; bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục hồ sơ và đối tượng, tiêu chuẩn, tỷ lệ khen thưởng; khi lựa chọn, đề xuất cần quan tâm đến đối tượng là người lao động trực tiếp, tránh tình trạng đề nghị chủ yếu là lãnh đạo quản lý; tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thật xứng đáng, có tác dụng nêu gương trong cơ quan, đơn vị và thành phố. Đối với các hình thức khen thưởng và danh hiệu Nhà nước cao quý, trước khi đề nghị khen thưởng, các đơn vị cần lấy ý kiến các cơ quan liên quan và xem xét dư luận quần chúng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về khen thưởng đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong điều kiện tình hình hiện nay, việc khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị thành phố, Nhà nước khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong doanh nghiệp phải bảo đảm chặt chẽ về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục. Chỉ đề nghị khen thưởng những trường hợp thành tích thật tiêu biểu xuất sắc, sản xuất kinh doanh hiệu quả, có hướng phát triển ổn định và bền vững, có nhiều đóng góp đối với cộng đồng và xã hội, có phạm vi ảnh hưởng lớn, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Khen thưởng gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt cần được thực hiện thường xuyên; trong đó cần phát hiện kịp thời và khen thưởng những cá nhân có việc làm tốt để tuyên truyền, nhân rộng. Định kỳ tổ chức tổng kết, biểu dương các gương tiêu biểu trong phong trào “Người tốt, việc tốt” của cơ quan, đơn vị.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị. Tăng cường trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong công tác thẩm định thành tích và đề nghị khen thưởng; kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại; kiến nghị với thành phố và các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những khó khăn, vướng mắc; chủ động phát hiện, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng nói chung và công tác khen thưởng nói riêng để thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất và trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thu Lê