Dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các không gian sáng tạo ở Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, vượt khó khăn, thách thức, nhiều không gian sáng tạo đã và đang nỗ lực triển khai những cách làm phù hợp để duy trì hoạt động trong […]
Dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các không gian sáng tạo ở Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, vượt khó khăn, thách thức, nhiều không gian sáng tạo đã và đang nỗ lực triển khai những cách làm phù hợp để duy trì hoạt động trong tình hình mới, tiếp tục phát triển mô hình.
Thích ứng với tình hình mới
Thời gian qua, không gian sáng tạo Tò He ở số 8, phố Đỗ Quang (quận Cầu Giấy) liên tục tạo thiện cảm với người tiêu dùng bằng sản phẩm khẩu trang in thiết kế độc quyền từ tranh vẽ của các họa sĩ “đặc biệt” – trẻ tự kỷ. Chị Trịnh Thị Trang, đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Tôi ấn tượng với những chiếc khẩu trang in tranh vẽ của trẻ tự kỷ ở không gian sáng tạo Tò He. Sản phẩm được làm dày dặn với các lớp kháng khuẩn, chống tia cực tím, nhưng rất mềm mại, dễ chịu…”.
Cùng với khẩu trang, thời gian này, Tò He còn phối hợp với một số không gian sáng tạo khác, giới thiệu các sản phẩm phòng, chống dịch, như: Tinh dầu, nước rửa tay diệt khuẩn…, với mục đích vừa phục vụ cộng đồng phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động của mô hình. Theo Phụ trách truyền thông không gian sáng tạo Tò He Nguyễn Thị Hải Yến, cơ sở này ra đời với mong muốn tạo không gian sáng tạo nghệ thuật cho trẻ thiệt thòi, nơi những sáng tạo của các em được chọn lọc, ứng dụng cho những thiết kế, đem lại giá trị thương mại, từ đó tái đầu tư, củng cố thêm điều kiện học tập, trải nghiệm cho các em.
“Dù dịch Covid-19 đã được khống chế, song vẫn chưa phải là hết những nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Chúng tôi đang khắc phục khó khăn này bằng cách thực hiện nhiều hơn các chương trình, sự kiện trực tuyến để hạn chế tập trung đông người; phát triển các dòng sản phẩm thiết yếu phục vụ cộng đồng bảo vệ sức khỏe…”, chị Nguyễn Thị Hải Yến cho biết thêm.
Nỗ lực duy trì hoạt động trong điều kiện dịch Covid-19 chưa hết nguy cơ, còn có không gian sáng tạo 60s Thổ Quan, phố Khâm Thiên (quận Đống Đa). Đây là khu tổ hợp dành cho giới trẻ yêu thử nghiệm sáng tạo trên nền tảng nghệ thuật. Anh Cao Trung Hiếu, đồng sáng lập 60s Thổ Quan cho hay: “Chúng tôi cung cấp nước rửa tay diệt khuẩn, nhắc nhở các bạn đến vui chơi tại đây thực hiện nghiêm thông điệp “5K” (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung đông người – khai báo y tế) bằng các khẩu hiệu vui và dễ nhớ. Các chương trình trình diễn âm nhạc lớn cũng được thu hẹp thành các buổi biểu diễn nhỏ, khán giả được bố trí ngồi giãn cách theo từng khu vực để bảo đảm an toàn”.
Đến thưởng thức âm nhạc tại không gian sáng tạo 60s Thổ Quan, anh Phạm Xuân Liên ở phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) chia sẻ: “60s Thổ Quan là sân chơi quen thuộc của tôi và bạn bè. Việc nêu cao tinh thần phòng, chống dịch tại đây khiến chúng tôi thêm yêu quý, tin tưởng không gian về cách làm chủ động, chuyên nghiệp, ý thức lan tỏa trách nhiệm vì cộng đồng”.
Cần được hỗ trợ, tiếp sức
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi có những thay đổi để thích nghi với tình hình mới, trong đó không thể không kể đến các không gian sáng tạo – mô hình hoạt động mới mẻ, nhiều đặc thù. Để duy trì hoạt động, nhiều mô hình đã có những cách làm sáng tạo, song với đặc trưng hoạt động phi lợi nhuận, nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ phụ trợ hoặc các tài trợ, dự án ngắn hạn, nên trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay, số không gian sáng tạo duy trì hoạt động được như 60s Thổ Quan hay Tò He không nhiều.
Theo chị Trịnh Hạ Miên, đồng sáng lập không gian sáng tạo Líu Lô arts & craft, hầu hết không gian sáng tạo đều do những người trẻ tuổi lập ra, trong khi đó kinh nghiệm và nguồn vốn hạn chế, lại chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, nên gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ, có thể là hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, công nghệ… để tiếp tục thực hiện các chương trình, hoạt động”, chị Trịnh Hạ Miên đề xuất.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhiều không gian sáng tạo đang gặp khó khăn về địa điểm tổ chức hoạt động, do giá thuê mặt bằng cao, thời gian thuê ngắn, trong khi nguồn thu bấp bênh… Các mô hình này cần sớm được hỗ trợ, tiếp sức, để phát triển, thúc đẩy hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, Hà Nội có tiềm năng rất lớn để phát triển các không gian sáng tạo, một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch cho mục tiêu này, như: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo…
“Cuối tháng 9 này, thành phố sẽ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội”, trong đó sẽ thảo luận, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các không gian sáng tạo phát triển”, ông Tô Văn Động cho biết.
Theo Báo Hànộimới