Tham gia “Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V- năm 2022”, các tác giả Nguyễn Thị Thanh Loan và Lại Quang Tấn đến từ báo Kinh tế Đô thị đã xuất sắc đạt giải A với tác phẩm “Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu?” với 4 kỳ liên tiếp. Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trân trọng giới thiệu tác phẩm trên tới đông đảo bạn đọc
Sau nhiều đợt ra quân dẹp loạn vỉa hè không thành, đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận thí điểm 5 tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm cho sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh.
Động thái này chứng tỏ từ người dân đến chính quyền đã dần thấu hiểu vỉa hè không chỉ dùng để đi bộ mà còn đem lại nét văn hóa riêng cho mảnh đất ngàn năm văn hiến. Quản lý kinh doanh vỉa hè ra sao để không xảy ra mâu thuẫn trong đô thị hiện đại sẽ là câu chuyện được các chuyên gia gợi mở trong loạt bài này.
Trải qua nhiều thời kỳ, từ thời bao cấp, vỉa hè đã gồng gánh phận người bơm vá xe, cắt tóc, bán lạc rang húng lìu. Thời Mỹ ném bom miền Bắc, vỉa hè gánh sứ mệnh bao bọc người dân. Đến khi đổi mới, vỉa hè có thêm đủ thứ công năng và ẩn chứa những câu chuyện lịch sử cùng ký ức về Thủ đô thời kỳ đó.
Những vỉa hè đầu tiên xuất hiện
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, tiết trời dường như dịu bớt chút oi nóng của mùa Hè, mà thay vào đó, là những buổi sớm trong lành hơi se se. Ta có thể bắt gặp những hình ảnh người dân Thủ đô bước chân chậm rãi trên vỉa hè đầy lá vàng rơi trên còn phố Phan Đình Phùng; hay những người cao tuổi ngồi nép trên vỉa hè, ngắm nhìn nhịp sống chầm chậm trôi qua.
Người bán hàng rong trên phố Hàng Đào năm 1940. Ảnh: Harrison Forman
Mỗi người Hà Nội đều có một tâm trạng riêng, một ký ức riêng về vỉa hè. Thế nhưng, vỉa hè có từ bao giờ, không hẳn ai cũng nắm rõ. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, giai đoạn 1847 – 1883, Hà Nội chỉ có một vài đường phố đông đúc Hoa kiều sinh sống như Phúc Kiến (nay là Lãn Ông), quân Cờ Đen (nay là Mã Mây), Hàng Ngang được lát gạch sạch sẽ, còn lại hầu hết vẫn là đường đất.
Tại khu vực buôn bán “36 phố phường” không có vỉa hè, rãnh thoát nước nên sau mỗi trận mưa, nước chậm tiêu bùn sâu tới mấy chục phân. Vì vậy, mỗi khi có xe ngựa đi qua, người lái phải rung chuông để người đi bộ dạt sang hai bên, đứng dưới bùn lõng bõng.
Năm 1883, viên Cảnh sát trưởng Hà Nội bàn bạc với Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ cho lấy gạch ngói vỡ rải ra một số con đường. Cũng trong năm đó, công sứ đầu tiên ở Hà Nội là Bonnal, bắt đầu thực hiện chính sách cải tạo phố phường.
Bonnal cho quy hoạch khu vực Hồ Gươm, làm đường quanh hồ, mở rộng đường từ khu nhượng địa Đồn Thủy chạy ra thành Hà Nội, đồng thời chuẩn bị cho xây khu phố Pháp ở phía Đông và Nam Hồ Gươm. Cuối năm 1885, đường phố Hàng Khảm (bao gồm Tràng Tiền, Hàng Khay ngày nay) đã hoàn thành.
Chiều rộng được mở rộng, đường được trải nhựa, hai bên vỉa hè cho lát gạch và trồng cây phượng để tránh nắng vào mùa Hè. Và vỉa hè Hàng Khảm là vỉa hè đầu tiên của Hà Nội theo kiểu của thành thị phương Tây.
Theo thời gian, vỉa hè Hà Nội nối dài ra. Ông Bonnal có dự án cải tạo lại các khu phố cổ, cấm dân không được làm nhà lá, bắt buộc các nhà phải làm thẳng hàng có rãnh thoát nước, đánh số nhà và phải chừa đất để làm vỉa hè.
Ngày 20/12/1889, đốc lý Hà Nội là Landes đã ban hành một nghị định cho thuê vỉa hè để dân mở cửa hàng hay bán cà phê với giá 40 xu/m2. Số tiền này sẽ đưa vào quỹ bảo trì hè phố.
Đầu thế kỷ XX, khi các khách sạn hạng sang xuất hiện ngày càng nhiều quanh khu vực Hồ Gươm, chủ khách sạn đã thuê vỉa hè mở quán cà phê dọc theo mái hiên khách sạn. Không chỉ người Pháp sống ở Hà Nội, khách du lịch châu Âu đến TP này rất thích thú khi ngồi uống cà phê vỉa hè ngắm phố.
Bên cạnh cho thuê vỉa hè, chính quyền thời đó cũng ra các quy định về việc sử dụng vỉa hè. Với các phố ở khu vực “36 phố phường”, vỉa hè hẹp nhất cũng phải 3m. Với các khu phố ở phía Đông và phía Nam Hồ Gươm như: Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… vỉa hè tối thiểu phải rộng 5m, phố rộng nhất là 7,5m.
Người bán hàng rong trên phố Hàng Bạc năm 1940. Ảnh Tư Liệu
Nếu vỉa hè rộng 3m bậc cửa ra vào chỉ được phép cao 10cm, vỉa hè rộng 5m thì bậc cửa là 15cm và vỉa hè rộng 7,5m thì bậc cửa cao 20cm. Nên cạnh đó là quy định về chiều cao, cửa sổ, ban công rất chi tiết.
Tăng giá trị theo thời gian
Thời bao cấp và đặc biệt là từ năm 1989 đến 1991, vỉa hè đúng nghĩa là nơi kiếm sống, đông đúc như Kẻ chợ xưa. Sở dĩ như vậy là khi chuyển đổi cơ chế, nhiều nhà máy, xí nghiệp không bắt kịp đổi mới dẫn đến cán bộ công nhân không có việc nên không có lương.
Để giải quyết thực trạng đó, Nhà nước ra Nghị định 176, hiểu đơn giản là “về hưu non một cục”. Số cán bộ công nhân về chế độ 176 đông vô kể và để tiếp tục sống, những người không có cửa hàng, ít tiền chỉ còn cách lao ra vỉa hè. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến kể: Thời đó, gần như mỗi cột điện trên vỉa hè ở con phố có một người sửa xe. Vì thế có câu ca dao: “Đầu đường thượng tá bơm xe/ Giữa đường thiếu tá bán chè đậu đen”.
Khi Mỹ ném bom miền Bắc năm 1964, vỉa hè Hà Nội bắt đầu gánh vác một sứ mạng mới. Người ta cho đào các hầm trú bom cá nhân trên hè phố, khoảng 6 – 8m một hầm rồi để các ống xi măng xuống. Người đang đi trên đường nếu nghe còi báo động từ nóc Nhà hát Lớn sẽ chui xuống hố này tránh mảnh bom.
Hồi ức về giai đoạn này, “nhà Hà Nội học bình dân” Đinh Đông Hà từng chia sẻ: Khoảng từ ngày mùng 5/8/1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, người Hà Nội lục tục đi sơ tán. Hà Nội trở nên vắng tanh, vắng ngắt. Có những tờ giấy gắn cửa nhà với dòng chữ “Bố mẹ gửi chìa khóa chỗ ông Tổ trưởng (khu phố)” hoặc “gửi ở nhà bác X”, để con cái đi bộ đội, công tác “đảo” qua nhà thì nhận được lời nhắn nhủ đấy.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và miền Bắc được sống trong hòa bình thì các hầm trú ẩn cá nhân hoặc bị lấp hoặc dân ven đô đào mang về làm khoanh giếng. Ở các phố trung tâm, xí nghiệp quản lý vỉa hè còn cho láng xi măng nhưng các phố khác thì nó trở thành hố trũng đọng nước mỗi khi trời mưa.
Rồi tiếp đó nước sạch dùng cho sinh hoạt thiếu trầm trọng, nước từ đường ống chính không chảy nổi vào các vòi trong nhà nên dân hàng phố đua nhau đào bể trên vỉa hè lấy nước từ đường ống chính. Vỉa hè thành chỗ rửa rau vo gạo, giặt giũ quần áo, tắm táp vào mùa Hè, luộc bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Là khách sạn “đờ la hiên” cho các bác xích lô quê, thành chợ cóc.
Cũng vì số lượng lao ra đường kiếm sống nhiều nên vỉa hè bắt đầu xuất hiện chợ cóc. Buổi sáng, các bà, các mẹ bán xôi, bánh cuốn. Hết quà sáng là đến những đồ ăn vặt như chè, rượu nếp, cháo hoa. Đến tối, vỉa hè Hà Nội có thêm vài chiếc ghế để bán bia hơi, để đậu, thịt.
Chợ vỉa hè tiện cho mỗi người vì không phải gửi xe chỉ ghé vào là mua và không phải đóng thuế nên cũng rẻ hơn đôi chút so với các chợ có tên tuổi. Thời bao cấp dân gian có thơ: “Tông Đản là của vua quan/ Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là của thương nhân/ Vỉa hè là của Nhân dân anh hùng”.
Những năm gần đây, vỉa hè Hà Nội đã sạch sẽ, khang trang hơn. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, TP Hà Nội đã quan tâm đến mỹ thuật, các con phố đường làm đồng bộ một màu gạch. Các con phố trước đây như “tấm áo vá” đã được lát lại. Cũng vì thế, vỉa hè có nhiều giá trị, vượt qua mục đích ban đầu là trang trí cho đô thị và dành cho người đi bộ.
Người ta nhìn vỉa hè là thứ tài nguyên có giá, không phải đầu tư, hoặc đầu tư không nhiều, mà thu lời ngay. Vì thế, nhà mặt phố tăng giá, gắn với câu cửa miệng: “Nhà mặt phố, bố làm to”.
Vỉa hè không chỉ là một phần bộ mặt đô thị mà còn ẩn chứa những câu chuyện lịch sử văn hóa, nơi lưu giữ và gợi mở những ký ức của cộng đồng và mỗi cá nhân. Đó, cũng là nơi người dân Thủ đô và khách thập phương có thể quan sát, biểu thị thái độ hài lòng hay không hài lòng với chính quyền đô thị.
“Các phố nói chung khá hẹp, được lát theo kiểu Tàu, tức là chỉ lát phần giữa đường trên một chiều rộng khoảng 1m và những viên gạch lát vuông bằng đất nung phần lớn đã bị vỡ hoặc bong ra. Hai bên đường là những rãnh nước bẩn tù đọng” – theo Hồi ký của Bonnal.
“Những năm 90 của thế kỷ trước, vỉa hè trở nên ấm áp gần gũi đời thường bởi sự có mặt của các bà bán xôi xéo, các chị gánh nồi trứng vịt lộn và cháo sườn. Trong cái vội vã để kịp giờ đến cơ quan của bố mẹ, đám trẻ con còn ngơ ngác bởi phải dậy sớm, ăn vội chút quà sáng rồi hối hả đi học. Hết giờ quà sáng vỉa hè lại tĩnh lặng…” – Ông Phạm Xuân Hợp (50 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)
Linh Anh – Lại Tấn
Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu? – Báo Kinh tế đô thị (kinhtedothi.vn)