Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu? Bài 2: Văn hóa Kẻ chợ nơi vỉa hè

Tham gia “Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V- năm 2022”, các tác giả Nguyễn Thị Thanh Loan và Lại Quang Tấn đến từ báo Kinh tế Đô thị đã xuất sắc đạt giải A với tác phẩm “Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu?” với 4 kỳ liên tiếp. Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trân trọng giới thiệu tác phẩm trên tới đông đảo bạn đọc

Ẩm thực đất Kinh kỳ

Điều đặc biệt nhất trong ẩm thực Hà Nội, là hầu hết những quán hàng ngon, lâu đời và nổi tiếng đều là quán vỉa hè. Có thể kể đến phở gánh Hàng Chiếu, bún đậu Gốc đa, cháo lòng Ô Quan Chưởng, Phở Thìn Đinh Tiên Hoàng… Phần đông những người Hà Nội quan niệm, món càng ngon càng phải lê la vỉa hè. Chẳng thế mà, ngồi tụm ba tụm bảy, cười nói rôm rả, chen chúc trong cái bụi bặm của đường phố, đông đúc của dòng người qua lại không biết từ khi nào đã gắn với cái thú ăn chơi của người Hà Thành.


Phở Thìn, phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn

Người nơi khác tới muốn tìm hiểu về ẩm thực Hà Thành hẳn sẽ tò mò và ngạc nhiên lắm về cái thú ăn bình dân như kiểu chợ quê giữa lòng Thủ đô hiện đại. Nhưng rồi lại thấy thích thú khi được trải nghiệm văn hóa đặc sắc ấy cùng bạn bè khi thưởng thức những món ngon, đúng vị.

Đến quán phở Thìn nằm trong con ngõ chật hẹp mang số 61 phố Đinh Tiên Hoàng, nói là ngõ cho sang thực chất là lối đi vào các căn nhà nhỏ khu phố cổ. Hai dãy bàn kê chật cùng lắm bố trí được cho 6 vị khách ngồi, nhưng thời điểm sáng sớm hoặc cuối tuần thì chủ hàng có thể ghé kê thêm bàn vào vỉa hè từ số nhà 47 đến 71. Đã nửa thế kỷ, những vị khách sành ăn nhất vẫn luôn tìm đến phở Thìn 61 Đinh Tiên Hoàng như để tìm đúng hương vị phở Hà Nội.

Người Hà Nội lạ như thế, ăn đúng vị khi tới đúng địa chỉ. Xa tới mấy cũng chẳng tiếc công, tiếc sức để yêu chiều khẩu vị của mình, có đôi người đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ trong một ngõ nhỏ để thưởng thức món ăn tâm đắc nhất của mình. Bởi thế, muốn ăn bún ốc thì phải tới ngõ chợ Đồng Xuân, Ngô Văn Sở, ăn hải sản tươi sống phố Cầu Gỗ, ăn cháo lòng tới Ô Quan Chưởng…

Người nước ngoài khi du lịch Việt Nam thường tìm đến vỉa hè để thưởng thức các món ăn vỉa hè Việt Nam, họ bị quyến rũ bởi mùi hương thơm phức, đặc sắc của thức ăn trên các con phố Hà Nội. Vào mỗi dịp bước chân lên phố cổ, dạo trên con Mã Mây sẽ bị cuốn hút bởi các loại mùi vị của các món ăn. Dịp cuối tuần, khi phố Mã Mây làm phố đi bộ, các chủ hàng lại tấp nập kê bàn ra vỉa hè để khách Tây, khách ta thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Hà Nội.

Cà phê hay trà đá vỉa hè cũng là một nét rất riêng của Hà Nội. Dân nghiện cà phê Hà Nội chắc đã không còn xa lạ gì với những cái tên như cà phê Nguyễn Du, cà phê Thọ… Những cái tên quen thuộc này vẫn thường được nhắc tới mỗi khi có ai đó nói đến cà phê vỉa hè. Rồi những quán trà đá vỉa hè cũng mọc lên khắp nơi, chỗ nào có thể kê ghế nhựa, để chiếc bàn là chủ hàng cũng có thể mở tiệm trà đá. Chỉ cần trả 300.000 đồng – 500.000 đồng là chủ nhân có thể ngồi nhâm nhi ly trà đá ngắm phố phường, cũng như hít thở không khí 4 mùa của Hà Nội.

Nếu một lần đến Hà Nội, bên cạnh những danh lam thắng cảnh và rất nhiều nét đẹp khác thì du khách khó cưỡng được trước sự cuốn hút của một nét văn hóa đó là ẩm thực vỉa hè. Có thể nói ẩm thực vỉa hè ở Hà Nội ngày càng trở nên quen thuộc và đặc biệt, rất Việt Nam. Nó không chỉ là nơi để ăn uống duy trì sự sống, thưởng thức các món đặc sản mà còn là nơi để mọi người đến thư giãn, giao lưu và gặp gỡ bạn bè, người thân.

Và văn hóa ẩm thực vỉa hè không phải bây giờ mới có, mà là nét văn hóa kẻ chợ rất đặc trưng của Hà Nội, để đến bây giờ khi Hà Nội đã hội nhập và phát triển thì nét văn hóa ấy vẫn được duy trì, trở thành thói quen trong sinh hoạt.

Không gian để giao lưu

Nhà văn Đỗ Phấn người từng sống ở Hà Nội từ những năm 50 của thế kỷ trước nhớ lại. Năm 1969, sau khi đế quốc ngừng ném bom, học sinh đi sơ tán trở về Hà Nội, vỉa hè là thiên đường trò chơi của lũ trẻ. Tập xe đạp. Trèo me trèo sấu. Đá bóng, đá cầu, nhảy dây. Đánh bài, đánh ô ăn quan. Đánh khăng, đánh xèng, đánh bi, đánh đáo…

Giờ ra chơi trước cổng trường vỉa hè đông nghịt người. Tranh giành nhau từng ô đất trống bày trò. Chen lẫn những hàng rong ô mai, lạc rang, táo dầm, bánh gối, chín tầng mây, kẹo kéo và bi don don. Trẻ trai nhễ nhại đá cầu đá bóng. Trẻ gái nhảy dây chơi chuyền và mài những quả nhót đỏ lựng lên đầu gối cho hết vảy phấn.

“Vỉa hè Hà Nội bây giờ rất hiếm trẻ con chơi đùa. Một phần do trẻ con ít đi và phần lớn do không còn chỗ nào đủ trống cho chúng chạy nhảy. Trường học khóa cổng im ỉm suốt trong giờ học sinh ở trường. Hàng quán vỉa hè đuổi đâu chạy đấy nhưng thật lạ vẫn ngày càng nhiều lên. Xe máy ngổn ngang chiếm trọn vỉa hè những phố không cấm.

Tang ma cưới xin tự do dựng rạp căng lều như ở làng. Khai trương khánh thành hàng quán nhà cửa cũng đều ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè. Chức năng giao lưu của lũ trẻ trên vỉa hè thời nay không còn nữa” – nhà văn Đỗ Phấn bày tỏ.

như PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam: Hầu hết người Hà Nội bây giờ có gốc gác từ các làng quê, nên thói quen giao lưu tụ họp bên chén trà, buôn vài câu chuyện bên vỉa hè vẫn là lối sống quen thuộc.

Người Hà Nội cũng thích sự tiện lợi, đó là lý do hình thành quán ăn, cửa hàng ngay trước cửa nhà, nơi vừa có thể mua bán nhưng vừa có thể trao đổi câu chuyện thời sự, chuyện khu phố… Và thay vì sự đóng cửa im ỉm, nhà nào biết nhà đó như chung cư hiện đại thì vỉa hè vẫn là nơi giao lưu thắm tình xóm giềng của bà con trong từng khu phố.

Theo TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam): “Vỉa hè của các khu trung tâm Hà Nội thực sự là một không gian sinh hoạt”. Không gian sinh hoạt mà TS Nguyễn Thị Phương Châm đề cập đến, đó là trên phố Lê Văn Hưu, Thi Sách, Ngô Thì Nhậm, Trần Xuân Soạn, Lò Đúc, Hòa Mã… không chỉ để tạm chiếc bếp than tổ ong để nấu mà vỉa hè còn là nơi nghỉ trưa của những người lao động, những người bán hàng trên vỉa hè và cả những người bán hàng rong. Họ thường trải một tấm nilon hoặc mảnh bao tải tranh thủ nghỉ chợp mắt trưa tầm 15 phút rồi tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới Thành phố Sáng tạo, Hà Nội đang vươn mình hòa nhập với các Thủ đô hiện đại khác nhưng không vì thế xóa đi văn hóa kẻ chợ vốn là nét riêng của nơi này. Vỉa hè không làm hình ảnh của Hà Nội xấu đi mà là cách quan tâm và quản lý hiệu quả mới là điều cần bàn tính đến.

“Tôi đến Việt Nam làm việc được 4 năm, tôi cũng như đồng nghiệp của tôi rất mê các món ăn vỉa hè Hà Nội. Món khoái khẩu nhất của tôi chính là ốc luộc trên phố Đinh Liệt. Bạn bè từ Cannada đến Việt Nam là tôi lại đưa ra quán ốc để thưởng thức. Ngồi có hơi chật chội, ngay trên vỉa hè nhưng cảm giác vừa ăn vừa nhìn dòng người đi bộ qua lại cũng thấy thú vị.” – Jenny (38 tuổi, chuyên gia đến từ Canada)

“Tuổi thơ của lũ trẻ ở Hà Nội thời những năm 90 của thế kỷ trước có đủ trò vui trên vỉa hè. Ngày đó chưa có trò chơi điện tử, ti vi cũng không có nhiều chương trình như bây giờ, trẻ con chỉ biết đến bi ve, chơi chuyền, nhảy dây. Đám con trai 4 – 5 thằng lấy viên gạch đỏ vẽ lên đất hình ô vuông rồi cắm cúi chơi sau giờ học nên thường xuyên về muộn 15 -20 phút. Có đứa bị bố mẹ cầm cây đũa cả ra “lùa về” vì suốt ngày về muộn.” – Anh Nguyễn Thanh Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

“Quan sát các sinh hoạt của người dân ở vỉa hè chúng ta hiểu được phần nào cuộc sống của Hà Nội. Không giống cuộc sống trong không gian riêng tư của các gia đình sau cánh cửa, cũng không giống cuộc sống trong không gian công cộng trên đường phố. Cuộc sống không gian trung chuyển giữa nhà và phố đó không quá ồn ào nhưng cũng không bình lặng, không đơn giản thuần nhất nhưng cũng không lộn xộn hay thiếu trật tự.” – TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

Lại Tấn-  Linh Anh

Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu: Văn hóa Kẻ chợ nơi vỉa hè – Báo Kinh tế đô thị (kinhtedothi.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *