Hà Nội đẹp

Làm sống lại ‘Thập tam trại’

Với mong muốn làm sống lại khu vực 13 làng trại, một không gian kiến trúc đặc sắc xưa của vùng đất Ba Đình, chính quyền quận đang triển khai, đồng thời đề xuất những giải pháp cần làm trong công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng trên địa bàn.

Đường Liễu Giai, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Nét không gian kiến trúc xưa đang dần mai một

Vùng đất Ba Đình được hình thành với các khu vực đặc trưng: Khu vực kinh thành, một phần khu phố cũ kiểu châu Âu và khu vực 13 làng trại (Thập tam trại – thuộc các phường Ngọc Hà, Đội Cấn, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Cống Vị, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Kim Mã, Thành Công…).

Qua bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức và bản đồ tỉnh Hà Nội trong Đồng Khánh Dư địa chí, có thể thấy, khu vực 13 làng trại với mặt nước, ao hồ là chủ yếu, diện tích mặt nước là khá lớn. Đến bản đồ Hà Nội đầu thế kỷ XIX, đã phát triển dân cư tập trung thành các làng với hệ thống sông, hồ, ao, cây xanh, đất vườn làm nghề… đan xen – cho đến khi người Pháp xây dựng các khu phố và trung tâm hành chính.

Trong thời kỳ bao cấp, khu vực này vẫn còn giữ được nét đặc trưng của làng xóm truyền thống với không gian giếng nước, sân đình, các ô đất có diện tích lớn với vườn cây, ao cá, các công trình hầu hết chỉ cao khoảng 1 – 2 tầng, mật độ xây dựng thấp.

Quá trình đô thị hóa, cùng với sự tăng nhanh dân số dẫn đến tình trạng chia cắt các ô đất để xây dựng nhà ở cho nhiều thế hệ, không gian bị bê tông hóa, “khoảng trống” bị thu hẹp. Các khu đất trống (đất nông nghiệp, bờ mương, bờ ao…) bị lấn chiếm, san lấp, vườn cây bị phá bỏ để xây dựng nhà ở… Từ đó hình thành hệ thống giao thông nhỏ, ngoằn ngoèo, hạ tầng, thoát nước, chiếu sáng hầu như không có, cấu trúc làng xóm truyền thống bị mất dần.

Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng với những công cụ quản lý thiếu và yếu khiến cho tác động của quá trình đô thị hóa đến khu vực 13 làng trại càng trở nên khó kiểm soát. Cấu trúc làng xóm nhường chỗ cho những công trình nhà ống hình thành tự phát, diện tích nhỏ (có chiều rộng từ 3 – 4m và chiều sâu từ 7 – 15m) xây dựng san sát dọc theo các con ngõ nhỏ từ 1,5 – 2,5m; hạ tầng kỹ thuật không theo kịp với phát triển dân số; cây xanh, hạ tầng xã hội càng là vấn đề xa vời với nhu cầu người dân. Cùng quy hoạch, kiến trúc cũng thiếu sự kiểm soát nên các giá trị kiến trúc truyền thống mất dần.

Bản đồ quận Ba Đình

Một trong những nét đặc trưng gắn với làng xóm từ lâu đời đó là các di tích, tôn giáo – tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ…, khu vực 13 làng trại cũng vậy. Nhìn chung, đây là những công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc đẹp, gần gũi, gắn bó với đời sống bởi chúng xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của dân làng, chủ yếu do dân làng góp công, góp của xây dựng nên.

Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các công trình này đã bị xuống cấp. Hơn thế, một số công trình bị lấn chiếm không gian. Theo khảo sát, có nhiều công trình là di sản cấp quốc gia, thành phố, nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa. Việc bảo tồn mới chỉ được thực hiện ở mức độ duy tu, duy trì nhằm gìn giữ những phần còn lại của công trình. Ngoài ra, một công việc rất khó là thu hồi, giải phóng mặt bằng để trả lại không gian của di tích hầu như chưa thực hiện được.

Nhiều giải pháp bảo tồn

Để làm sống lại khu vực 13 làng trại xưa, quận Ba Đình đã đề xuất lập Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực 13 làng trại với mong muốn xây dựng bộ công cụ quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan. Quản lý chặt về chiều cao, quy mô công trình nhà ở từ 3 – 4 tầng. Khống chế mật độ xây dựng thấp dưới 60%… Quá trình cấp giấy phép xây dựng các cơ quan chuyên môn khuyến khích người dân tự lùi vào để tạo không gian thoáng phía trước nhà.

Kết hợp với đó, những dự án đầu tư công cải tạo và phát triển các không gian cây xanh – mặt nước, mở rộng đường trong làng xóm (tối thiểu 4m). Không cho phép chuyển đổi đất cây xanh, mặt nước, đất trống, đất làm nghề… để xây dựng công trình. Ưu tiên bố trí các công trình sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi, bãi đỗ xe, điểm tập kết rác hợp vệ sinh và đảm bảo thẩm mỹ. Lập quy định quản lý cho từng khu vực cụ thể, đặc biệt chú ý đến các thiết chế làng xóm (cổng làng, giếng làng… ).

Bên cạnh đó, với mong muốn khôi phục các yếu tố hạt nhân làm nên cấu trúc không gian làng xã xưa, nhiều di tích đình, đền, chùa, miếu… cũng được quận lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo. Hàng năm, tổng mức đầu tư cho việc này chiếm đến 20 – 40% tổng vốn kế hoạch đầu tư công của quận.

Ảnh: Duy Khánh

Khó khăn rất nhiều, từ cơ chế chính sách trong việc giải phóng mặt bằng, đến thực tiễn bất cập về hồ sơ quản lý qua nhiều thời kỳ, nhiều thay đổi về pháp lý, về nhà tái định cư… Nhưng khó khăn lớn nhất là nhận thức về những giá trị đang dần mất đi, do đó khôi phục các giá trị của khu 13 làng trại rất cần sự đồng thuận của lòng dân.

Bằng những giải pháp quyết liệt, từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo, quận Ba Đình sẽ cơ bản kiểm soát được không gian, kiến trúc cảnh quan, tầng cao, mật độ xây dựng các khu dân cư làng xóm, nhà ở hiện có tại khu vực 13 làng trại này.

Cho đến nay, quận Ba Đình đã thực hiện 45 dự án, trong đó có 6 công trình di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 14 di tích cấp TP; đặc biệt có 2 công trình thuộc “Thăng Long Tứ Trấn” là đền Quán Thánh và đền Voi Phục (đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2022). Từ năm 2012 – 2022 quận đã thực hiện di dời 350 hộ dân nằm trong khu vực bảo vệ 1 các di tích lịch sử được xếp hạng.

TS.KTS Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *