Triển lãm

Lần đầu tiên 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam hội tụ

Cũng tại đây, bức tranh Hàng Trống “Tứ phủ công đồng” khổ 1mx1,4m được trưng bày sẽ xác lập một kỷ lục về độ lớn trong dòng tranh dân gian Việt Nam.

Ngày 18/8 tới đây, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”. Triển lãm là một hoạt động nhằm đánh thức và lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống nói chung, với tranh dân gian Việt Nam nói riêng.

Nghệ nhân Lê Đình nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng trống
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên – nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống

Triển lãm giới thiệu 12 dòng tranh dân gian của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội gồm: Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng, Tranh Hàng Trống, Tranh Thập vật, Tranh làng Sình, Tranh Đồ thế Nam Bộ, Tranh Kính Nam Bộ, Tranh Thờ miền núi, Tranh Gói vải, Tranh Thờ đồng bằng, Tranh kính Cung đình Huế, Tranh Vải. Bên cạnh đó triển lãm kết hợp giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng Hà Nội như: tranh và ván in tranh Hàng Trống; tranh thờ người Dao; tượng phật cổ… kết hợp với hoạt động trình diễn vẽ tranh dân gian dành cho khách tham quan tại khu trưng bày.

Tranh Kim Hoàng 
Tranh Kim Hoàng

Đáng chú ý, tại triển lãm, một số dòng tranh dân gian lần đầu tiên được trưng bày tại Hà Nội như dòng tranh gói vải – một dòng tranh tạo hình nổi trên lụa nổi tiếng một thời ở khắp Nam Bộ được hình thành từ cuối thế kỉ 20 do ông Trần Văn Huy hiệu là Thủy Tiên sáng tác bắt đầu từ Sadec. Ban đầu chỉ là sáng kiến thay hình dán giấy bằng vải hoặc gấm trên những tấm chướng phúng viếng đám ma. Sau dần được nâng cấp thành một dòng tranh mới để phục vụ nhu cầu thị hiếu đa dạng, phổ biến nhất là tranh chân dung để thờ cúng. Một bức tranh hình nổi trên lụa được bắt dầu từ khâu phác thảo vẽ nét, nền tranh được người thợ vẽ bằng màu bột. Các chủ thể chính của tranh như người, con vật hoặc cây cối… được dùng bông tạo hình, sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Sau cùng gắn keo lên mặt tranh đã được vẽ nền. Do có hình nổi, có chất liệu lụa, có bột màu tô điểm và tất cả được lồng ghép đúng tỷ lệ, bố cục chặt chẽ nên tranh nổi trên lụa rất sinh động và có nét độc đáo. Năm 2016 chỉ còn duy nhất một người còn làm là nghệ nhân Hồ Văn Tai ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ông được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh tạo hình nổi trên lụa hay còn gọi là tranh vải gói từng nổi danh một thời khắp vùng Nam Bộ suốt những năm giải phóng…

Nhà nghệ nhân Hồ Văn Tai (bên trái) được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh vải gói
Nhà nghệ nhân Hồ Văn Tai (bên trái) được biết đến là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh vải gói

Hay dòng tranh Thập vật thể hiện nét tâm linh một thời của người Việt thuở còn chế độ phong kiến. Có một truyền thống đã bắt rễ lâu bền của người Việt mà ta vẫn gọi là đưa cụ lên chùa, nghĩa là sau khi chôn cất thì con cháu đưa vong linh của người đã khuất lên chùa qua lễ cầu cúng của ông sư. Và có lẽ tranh Thập vật là biểu hiện phái sinh dạng vật chất của truyền thống này. Trải qua chặng đường dài lịch sử thịnh-suy… tranh Thập vật vẫn chưa tuyệt diệt. Tranh chỉ đơn giản là khắc rồi in nét đen trên giấy dó hay giấy bản, mang về khấn và đốt cho người đã khuất ở thế giới bên kia là hết. Nhưng xét trên góc độ chuyên môn thì tạo hình, tạo mảng, đường nét, khoảng để trống và thêm chữ cổ của tranh rất cô đọng, thực sự có nhiều giá trị về đồ họa tạo hình.

Tranh Kính Huế vẽ cảnh một góc Hậu Hồ
Tranh Kính Huế vẽ cảnh một góc Hậu Hồ

Đặc biệt, tại Triển lãm sẽ trưng bày bức tranh Hàng Trống “Tứ phủ công đồng” khổ 1mx1,4m do họa sĩ Lê Hoàn, con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện. Bức tranh sẽ xã lập kỷ lục về độ lớn trong dòng tranh dân gian Việt Nam.

Triển lãm sẽ giúp công chúng yêu nghệ thuật dân tộc chiêm ngưỡng những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Namđồng thời giới thiệu với đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội và khách quốc tế nét độc đáo của tranh dân gian Việt Nam, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc. Triển lãm sẽ khai mạc vào 17h30 ngày 18/8 tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).

Vy Vy

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *