Tin tức - Sự kiện

Lan tỏa ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh

HNMCT) – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức, nhân cách của một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới. 50 năm qua, ánh sáng tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh […]

HNMCT) – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức, nhân cách của một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới. 50 năm qua, ánh sáng tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh từ bản Di chúc đã lan tỏa, trở thành “kim chỉ nam” dẫn dắt dân tộc Việt Nam vững bước đi trên con đường mà Người đã chọn. Nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hànộimới Cuối tuần giới thiệu tới độc giả loạt chuyên đề “Lan tỏa ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh”.

50 năm qua, ánh sáng tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh từ bản Di chúc đã lan tỏa, trở thành “kim chỉ nam” dẫn dắt dân tộc Việt Nam vững bước đi trên con đường mà Người đã chọn.

Di sản văn hóa của nhân loại

Vượt qua không gian và thời gian, những tư tưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người càng trở nên sáng rõ với mỗi người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế. Bản Di chúc ấy là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, tình cảm của một lãnh tụ, một nhà văn hóa, một con người vì nước, vì dân, hết lòng yêu thương nhân loại. Vì vậy, có thể nói rằng: Di chúc của Người là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

1. Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI công bố năm 1989, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người. Di chúc Người viết năm 1965 được đánh giá là di chúc hoàn chỉnh, chỉ khoảng 800 từ. Dịp sinh nhật các năm sau đó, Bác viết thêm một số trang viết tay để đến năm 1969 thành bản cuối cùng với khoảng 1.000 từ. Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, “bản Di chúc thiêng liêng 1.000 từ mà Người khiêm nhường chỉ gọi là “một bức thư”, là “mấy lời nhắn gửi” nhưng thực sự là một văn kiện lịch sử vô giá, một đại tổng kết về cách mạng Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc đời, với sự nghiệp của Người…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tập trung nhất của tinh hoa dân tộc, của ý chí, tinh thần người Việt Nam. Nghiên cứu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, có thể nhận thấy: Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của một nhà cách mạng, một nhà văn hóa lớn. Và, sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Người là giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Người thường nói: Một dân tộc yêu tự do, độc lập của dân tộc mình thì càng phải tôn trọng tự do, độc lập của các dân tộc khác. Người khẳng định thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam cũng chính là một đóng góp tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới…

Trước khi về với “thế giới người hiền”, viết về cuộc hành trình 79 mùa xuân của mình, Người vẫn canh cánh: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, và: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.  “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, với việc riêng Người cũng nghĩ cho hôm nay và cho cả mai sau.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa, khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại…”. Vì lẽ đó mà con người Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh có sức cuốn hút mạnh mẽ với tất cả, bất cứ là ai, đến từ đâu, thuộc hệ tư tưởng nào.

2. Trong Di chúc để lại cho đồng bào, chiến sĩ cả nước trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên lượng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn…”. Người sẽ “thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Điều này cho thấy tình cảm thủy chung nồng nàn trong con người Hồ Chí Minh. Và nữa, xuất phát từ tinh thần quốc tế trong sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lo lắng: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Người viết trong Di chúc: “Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Giờ đây, trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện đại, chúng ta càng thấm thía hơn, hiểu hơn những di huấn của Người.

Khách tham quan trưng bày chuyên đề Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 – 2011) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Có thể nói, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cô đọng nhất tình thương yêu bao la của Người đối với người dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Người viết từ trái tim: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Và mong mỏi của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev đã viết trong hồi ký rằng: “Hồ Chí Minh là “một vị thiên sứ cách mạng”, “vị thánh cộng sản” bởi những hoạt động không mệt mỏi của Người cho phong trào cộng sản quốc tế”. Không chỉ có ông mà tất cả những người có lương tri trên thế giới đều nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc – “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh – “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ – “Vị Chủ tịch kính mến”… Giáo sư Paul Mus – Đại diện của Cao ủy Pháp ở Đông Dương, Trưởng đoàn đàm phán của Pháp với Chính phủ Việt Nam ở Thái Nguyên (tháng 5-1947) cũng đã viết: “Cụ Hồ là một trong những người đã đem lại sự kiêu hãnh và sức mạnh cho lục địa châu Á”.

Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Và sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới cũng đã cho rằng, “lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là dành cho nhân dân Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc” và “lời Di chúc của con người vĩ đại ấy là cho tất cả loài người, việc gì Người chưa làm, tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ tiếp tục làm”.

Con người Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh trong mắt của thế giới là như vậy.

3. “Bản Di chúc tuy ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau…”. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết như vậy.

Những giá trị tư tưởng, tinh thần và tình cảm của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết tinh từ cuộc đời hoạt động không biết mệt mỏi, không chỉ cho cách mạng Việt Nam mà còn cho phong trào cộng sản quốc tế, của một con người “đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống”. Bởi thế, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là bảo vật, là tài sản vô giá của dân tộc ta và của cả thế giới. Di chúc – lời nhắn gửi của Người là ánh sáng soi đường, là lý tưởng, chân lý sống, là niềm tin và khát vọng, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam và với các dân tộc yêu chuộng tự do, độc lập, hòa bình, công lý, vì hạnh phúc của con người và sự tiến bộ của nhân loại. Vì vậy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại – là một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam và của nhân loại.

PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết (Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền):

“50 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ trong Di chúc sự tiếc nuối vì không thể phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa nhưng thực chất thì Người luôn luôn đồng hành cùng dân tộc và vẫn tiếp tục “phục vụ” nhân dân yêu dấu của Người bằng ánh sáng của tư tưởng, sức cảm hóa của đạo đức và sự mẫu mực về phong cách.

Cho dù trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, “hào kiệt thời nào cũng có” nhưng Hồ Chí Minh vẫn là một hiện tượng văn hóa độc đáo nhất, nổi tiếng nhất, hấp dẫn nhất. Di chúc – tiếng lòng tha thiết của Người, ánh sáng trí tuệ của Người cũng là một sản phẩm hy hữu của lịch sử. Cùng với thời gian, giá trị của Di chúc ngày càng tỏa sáng và mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho lớp lớp hậu thế hôm nay và mai sau…”.

Theo HNM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *