Chưa được phân loại

Lan tỏa thương hiệu một “di sản”

Hội thi chọn gà cúng đình tại thôn Lạc Thổ được tổ chức hằng năm, ngay sau Tết Nguyên đán. Gà Hồ Thuận Thành vốn nổi tiếng hàng trăm năm nay, là sản vật tiến Vua thời phong kiến và đã được tỉnh Bắc Ninh cấp bằng bảo hộ và giấy chứng nhận thương hiệu. […]

Hội thi chọn gà cúng đình tại thôn Lạc Thổ được tổ chức hằng năm, ngay sau Tết Nguyên đán.

Gà Hồ Thuận Thành vốn nổi tiếng hàng trăm năm nay, là sản vật tiến Vua thời phong kiến và đã được tỉnh Bắc Ninh cấp bằng bảo hộ và giấy chứng nhận thương hiệu.

Hằng năm, thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành tổ chức hội thi chọn gà cúng đình vào dịp vui Tết, đón Xuân. Không chỉ là nguồn gien quý cần bảo tồn phát triển, gà Hồ còn có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người nuôi.

Nguồn gien quý đã thành di sản

Do có người bạn đang công tác tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) muốn nhờ giới thiệu mua gà Hồ, tôi mới có dịp tìm gặp lại ông Nguyễn Ðăng Chung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gà Hồ ở thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành. Gặp bạn cũ, lại khơi đúng nguồn tâm sự, ông Chung say mê kể cho tôi với tất cả niềm tự hào về giống gà quý của địa phương và cả những tâm tư, lo lắng: làm gì và làm thế nào để bảo tồn, phát triển phong trào nuôi gà Hồ, một công việc mà ông đã khơi dậy cách đây 5 năm ở địa phương.

Có lẽ ngoài dân ca quan họ Bắc Ninh đã trở thành di sản văn hóa thế giới, mỗi khi nhắc đến Bắc Ninh còn phải kể đến tranh dân gian Ðông Hồ và gà Hồ. Từ trước đến nay, tranh Ðông Hồ đã trở nên thân quen với nhiều gia đình Việt Nam và nhiều người vẫn quen với hình ảnh đàn gà trong những bức tranh dân gian của vùng quê Kinh Bắc, nhưng mấy ai biết đó cũng chính là đàn gà nguyên mẫu từ gà Hồ, một giống gà quý chỉ Bắc Ninh mới có hay nói cụ thể hơn là bây giờ chủ yếu chỉ thôn Lạc Thổ mới nuôi, chăm được giống gà Hồ thuần chủng. Theo họa sĩ – nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang, gà Hồ trong tranh dân gian chứa đựng ước nguyện của ông cha ta về một cuộc sống ấm no, an khang, thịnh vượng, hạnh phúc gia đình và mang nhiều ý nghĩa trong những ngày đón Tết, vui Xuân. Chính vì thế mà dân gian Kinh Bắc vẫn lưu truyền câu thơ: Gà Hồ mang rộn rã sinh sôi/ Gà lại vào tranh thắm nghĩa đời. Hình mẫu gà Hồ còn xuất hiện trong cả các tác phẩm điêu khắc dân gian và đương đại. Sở dĩ như vậy bởi giống gà nổi tiếng này có hình thể đẹp, tạo ấn tượng từ những chi tiết đặc tả dưới góc nhìn của các nghệ nhân và nghệ sĩ. Gà Hồ có tầm vóc cao to so với gà thường, nhất là gà trống có dáng chuẩn, vạm vỡ, vóc đẹp, mào xuýt, mã tía đỏ, đuôi dài, lông mầu mận chín, chân to theo thời gian nuôi. Nói như các cụ xưa là hội tụ đủ các tiêu chuẩn như: “đầu công, mình ốc, cánh vỏ trai, đuôi nơm”. Gà trống thường có trọng lượng chừng 5,5 kg đến 6 kg mỗi con, gấp đôi gà thường, trong khi gà mái thon, nhỏ hơn, lông mầu lá chuối hay mầu đất thó, khi trưởng thành thì nặng khoảng 2,5 kg đến 4 kg.

Ông Nguyễn Tuấn Diện, một người am hiểu có nhiều năm nuôi gà Hồ ở thôn Lạc Thổ cho biết: Không biết giống gà quý này có từ bao giờ, nhưng theo các bậc cao niên trong làng thì có lẽ ít cũng phải từ triều nhà Lý cách đây cả nghìn năm. Thời phong kiến, gà Hồ thường được lựa chọn là sản vật của địa phương để tiến Vua và sử dụng làm lễ thờ cúng vào dịp lễ, Tết bởi ngoài dáng đẹp, chất thịt thơm, ngon, gà trống còn được ví như linh vật, biểu tượng của bậc quân tử “Văn – Võ – Dũng – Nhân – Tín”.

Cho đến nay, thôn Lạc Thổ vẫn duy trì hội thi và tục cúng gà Hồ ngay sau Tết Nguyên đán. Trước đó, những gia đình và người nuôi gà cúng được lựa chọn qua bốc thăm, bình bầu và phải là những người mẫu mực được dân làng ghi nhận. Gà Hồ được gia chủ chọn và nuôi khá bí mật không để ai biết về vóc dáng, hình thức, cân nặng, trong xóm, trong thôn chỉ biết và cảm nhận được qua tiếng gáy hằng ngày của gà để đoán định. Khi mang gà cúng ra đình để giới thiệu với các cụ trong hội đồng thôn và để dân làng chiêm ngưỡng cũng là lúc trình độ, tay nghề của những người nuôi được nhìn nhận, bình phẩm, đánh giá, thể hiện niềm tự hào của gia chủ khi được công nhận. Những chú gà cúng đã nấu chín được đặt trang trọng trên các mâm lễ phủ vải đỏ kín trong nhiều tư thế theo các chủ đề mang những ý nghĩa triết lý nhất định. Qua đó, cho thấy gia chủ không chỉ mát tay chăm nuôi mà còn là những người có kiến thức tinh thông và sự am hiểu thâm thúy với mong muốn mang đến cộng đồng những điều ước tốt lành trong năm mới.

Không chỉ là một hình mẫu biểu tượng trong nghệ thuật và tâm linh, trở thành thú chơi tao nhã của không ít người dân Kinh Bắc, nuôi gà Hồ trước đây và ngày nay còn là một phương kế sinh nhai, tăng gia sản xuất, mang lại lợi nhuận cao vì thịt thơm ngon, dai giòn, giàu dinh dưỡng. Ông Nguyễn Ðăng Chung cho biết: “Gà Hồ không dễ nuôi, chăm đã khó mà nhân giống lại còn khó hơn. Gà con phải nuôi đến tám tháng mới bắt đầu trưởng thành và cho đến khi bán được thì phải nuôi đến một năm. Trong khi, giống gà này chỉ đẻ ba, bốn lứa mỗi năm và mỗi lần chỉ khoảng năm, bảy trứng, nhưng gà mái rất khó ấp trứng hay làm vỡ trứng, tỷ lệ ấp thành công chỉ khoảng 50%, nên thường phải ấp bằng máy. Ðược cái, giống gà này có giá trị kinh tế cao, giá có khi lên tới 700 nghìn đồng/kg, nhất là vào dịp Tết. Ngay cả gà Hồ lai, giá còn cao hơn giống gà khác từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg mà cũng không dễ mua. Khách mua đông, cho nên dân nuôi gà Lạc Thổ thường không đáp ứng được nhu cầu, thậm chí có những con gà đẹp của khách đặt lên tới mức ba, bốn triệu đồng. Có những hộ gia đình nuôi gà Hồ hằng năm thu về 70 triệu đến hơn 100 triệu đồng tiền lãi mỗi năm”.

Cần bảo tồn và phát triển

Tiếng tăm thương hiệu gà Hồ lan tỏa lâu nay, mang lại giá trị kinh tế cao cho các gia đình, cũng vì vậy sau nhiều năm biến động, ít được quan tâm, phong trào nuôi gà Hồ đã từng bước được khôi phục. Hiện, cả thôn có gần 100 hộ gia đình nuôi gà Hồ với mục đích kinh doanh và cùng với đó duy trì, bảo tồn nguồn gien quý hiếm của giống gà quý. Những người nuôi gà Hồ tại Lạc Thổ đã tự tập hợp lại thành lập Hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ từ năm 2015 mà ông Nguyễn Ðăng Chung là một trong những người khởi xướng. Các thành viên trong hợp tác xã tự nguyện góp vốn bằng gà Hồ giống thuần chủng, rồi xin đất làm khu vực chăn nuôi tập trung để bảo đảm giống chuẩn và tiêm vắc-xin phòng dịch đúng quy cách, lại tránh ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư. Phấn khởi nhất là năm 2016, tỉnh Bắc Ninh đã cấp văn bằng bảo hộ và giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gà Hồ Thuận Thành – Bắc Ninh” cho Hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ. Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ và góp phần khẳng định vị trí thương hiệu giống gà quý trên thị trường. Quan trọng hơn, các cấp chính quyền cho biết sẽ tạo điều kiện cấp đất dự án để thành lập trung tâm chăn nuôi gà Hồ tập trung, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, bảo tồn giống gà quý.

Trong câu chuyện hồ hởi, rôm rả về gà Hồ giữa chúng tôi với ông Nguyễn Ðăng Chung và một số thành viên hợp tác xã có những khoảng chùng, lắng xuống khi nói về tương lai phát triển của phong trào nuôi gà Hồ. Ông Chung cho biết, năm 2017, sau lễ đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu rầm rộ, có sự tham dự của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cùng UBND huyện Thuận Thành và rất đông phóng viên báo chí về tuyên truyền, ai cũng tưởng việc chăn nuôi, bảo tồn gà Hồ sẽ có những bước ngoặt mới với rất nhiều ý tưởng được đưa ra. Thế nhưng, mong muốn của đông đảo người nuôi gà Hồ thôn Lạc Thổ mãi đến tận bây giờ vẫn chưa thể thành hiện thực. Có dạo, các hộ gia đình nuôi gà Hồ còn nghe hứa hẹn được hỗ trợ tiền nuôi, song cuối cùng chẳng thấy đâu, ngay cả đất cho dự án trang trại chăn nuôi cũng lần chần mãi và vẫn chỉ là dự án “hứa”. Chờ đợi lâu, các thành viên trong hợp tác xã đâm nản lòng và lần lượt “rút lui”. Ban đầu, thành lập hợp tác xã có 37 hộ gia đình nuôi gà Hồ tham gia, giờ chỉ còn lại khoảng 25 hộ. Hợp tác xã ngày nào bây giờ là Câu lạc bộ chăn nuôi gà Hồ của những người tâm huyết nhất muốn giữ giống gien gà quý thuần chủng và do các thành viên tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động.

Trao đổi với các thành viên Câu lạc bộ chăn nuôi gà Hồ thôn Lạc Thổ, chúng tôi thêm hiểu về những điều họ mong muốn, nhất là sự hỗ trợ về vốn và đất đai. Nếu không, phong trào chăn nuôi gà Hồ sẽ chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình manh mún. Ông Nguyễn Ðăng Chung cho biết, để nuôi, bảo tồn và phát triển giống gà Hồ thuần chủng, trước tiên phải có mặt bằng quỹ đất tối thiểu khoảng 500 m2. Có như vậy, gà mới có không gian vận động, góp phần tăng sức đề kháng, nhanh lớn và thịt gà sẽ ngon, chắc hơn so với gà nuôi nhốt. Hiện, thị trấn Hồ nói riêng và huyện Thuận Thành nói chung đang phát triển, mở rộng đô thị hóa với nhiều dự án, vì vậy, đất dành cho các dự án chăn nuôi cộng đồng, bảo tồn và phát triển giống gà quý mà những người nuôi gà Hồ ao ước có lẽ sẽ ngày càng xa vời. Ðó cũng là nỗi day dứt chung của chúng tôi với người dân Lạc Thổ, đồng thời là câu hỏi… với các cấp chính quyền và những người có trách nhiệm. Cần lắm một câu trả lời tích cực và những tâm huyết của cả cộng đồng để góp phần gìn giữ một di sản quý cho mai sau.

ĐỖ TẤN và TIẾN DUY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *