Bảo tồn - Bảo Tàng

Làng Nhiếp ảnh Lai Xá, cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Tây, làng Nhiếp ảnh Lai Xá được biết đến là một làng nghề đặc biệt, độc nhất vô nhị, chuyên “lưu giữ” khoảnh khắc thời gian.

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá – nơi lưu giữ những giá trị vô giá của một làng nghề nổi tiếng nhất miền Bắc

Đây là làng nghề truyền thống lâu đời với trên 120 năm tuổi và được biết đến là cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Làng gồm có 5 xóm và có một phố dài chưa đầy 1km, mang tên phố Lai. Nếu là người “dưng” và không rành lai lịch của Lai Xá, khó hình dung được rằng, đây lại là nơi “phát tích” của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Theo lịch sử làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam sau một lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865). Tại đây, do thích thú với nhiếp ảnh, ông đã thuê một người Hoa mua dụng cụ rồi học nhiếp ảnh.

Về nước năm 1869, ông Trứ mở hiệu ảnh mang tên Cảm Hiếu Đường – hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà (nay là phố Ngõ Gạch – Hà Nội). Tuy nhiên, Cảm Hiếu Đường chỉ tồn tại được 4 năm và phải đóng cửa vào năm 1873 bởi chiến tranh. Phải đến năm 1890, khi ông Nguyễn Đình Khánh được người chú ruột giúp đỡ, đem ông từ Lai Xá đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương của người Hoa thì nghề nhiếp ảnh Việt Nam kể từ lúc đó mới đứng trước cơ hội phát triển.

Nguyễn Đình Khánh tức Khánh Ký (1874 – 1946) – ông tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá

Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, ông Khánh đã tìm tòi, học hỏi được những ngón nghề, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật “buồng tối” để mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da vào năm 1892 khi mới tròn 18 tuổi. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông Nguyễn Đình Khánh đã về quê truyền nghề cho cả làng và được người dân Lai Xá suy tôn thành ông tổ làng nghề. Từ đây, nghề nhiếp ảnh phát triển ra khắp Hà Nội và toàn cõi Việt Nam. Lai Xá cũng là làng nghề nhiếp ảnh truyền thống duy nhất ở Việt Nam. Khánh Ký trở thành một trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam (gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định).

Trải qua thời gian trên một thế kỷ với bao biến cố bao thăng trầm, những nét độc đáo trong nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống vẫn được người dân Lai Xá gìn giữ. Vào tháng 5/2017, nhân kỷ niệm 125 năm cụ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh, niên đại được dân làng coi là năm khai sinh làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá (1892 – 2017), nhân dân trong làng đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá – bảo tàng đầu tiên của cộng đồng một thôn (một làng) được xây dựng hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản truyền thống của mình. Đây cũng là loại Bảo tàng đầu tiên về một làng nghề ở Hà Nội.

Một góc trưng bày của Bảo tàng

Bảo tàng là một tòa nhà 2 tầng, tọa lạc ở giữa làng, cạnh đình Đụn với tổng diện tích trưng bày gần 300m2. Bảo tàng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như làm thế nào ông Tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh? Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển văn hóa ảnh ở nước ta?

Với khoảng 150 tấm ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt trưng bày; 15 tủ kính, bàn trưng bày với trên 100 hiện vật, không gian trưng bày Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có kết cấu mở đầu và 6 chủ đề nội dung chính.

Tầng 1 là nơi đón tiếp khách và là phần mở đầu của Bảo tàng, nơi giới thiệu chung về Bảo tàng. Bảo tàng tái hiện lại biểu tượng một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa. Khách tham quan có thể thấy ở đây một chiếc máy ảnh cổ, hộp gỗ trên một chiếc giá 3 chân, tường phía trước ống kính máy ảnh là phông vẽ cảnh quan tùy sở thích của khách mà lựa chọn cảnh để chụp ảnh.

Tầng 1 của Bảo tàng tái hiện biểu tượng một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa

Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp của những người Lai Xá yêu thích ảnh hiện nay, treo trên tường dọc theo cầu thang khi di chuyển lên tầng 2 xem nội dung trưng bày chính. Những thành viên của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Lai Xá có thể thường xuyên thay đổi các bức ảnh nghệ thuật (khoảng 20 – 30 bức) của mình ở ngay không gian này, tạo cho khách thăm mỗi khi trở lại Bảo tàng luôn tìm được cái mới.

Toàn bộ trưng bày chính của Bảo tàng được thể hiện ở tầng 2. Ở đây chia thành nhiều không gian nhỏ, mỗi không gian là một chủ đề riêng.

Không gian đầu tiên có tên gọi “Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá”. Ở đó giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Ở đây trưng bày một vài bức ảnh do cụ Khánh chụp; một ống kính máy ảnh đã từng được cụ Khánh sử dụng; một panô lớn bằng sơ đồ kể về việc Cụ Tổ nghề cùng các học trò của mình đã gây dựng nên một mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh. Lần đầu tiên một sơ đồ về các học trò của Cụ Khánh đã phát triển nghề ảnh cho các thế hệ sau được thể hiện, trong đó cho thấy các mối quan hệ thân tộc, thích tộc giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành mạng lưới này.
Không gian thứ hai là chủ đề về các hiệu ảnh xưa. Ở đây khách tham quan có cơ hội được tiếp cận với một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá suốt 5 thập niên của đầu thế kỷ XX cho đến năm 1975. Hiệu ảnh xưa nhất được giới thiệu là Phúc Lai ảnh viện, được cụ Nguyễn Văn Đính mở từ năm 1924 – 1925 ở Hải Phòng. Các hiệu ảnh của người Lai Xá được phân bổ khắp nơi trong nước – Hà Nội có central Photo trong chuỗi Phúc Lai ảnh viện, Luminor Photo của cụ Nguyễn Văn Chành, Nam Định có Minh Tân của cụ Nguyễn Văn Bối, Hải Phòng có Tân Lai của hai anh em cụ Phạm Văn Tám và Phạm Văn Mười…

Trưng bày còn kể câu chuyện người Lai Xá theo cụ Khánh Ký vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm 1920 và dần dần trở thành một cộng đồng người Sài Gòn gốc Lai Xá với trên cả nghìn người. Hai hiệu ảnh ở Sài Gòn được chọn giới thiệu là Thiên nhiên ảnh viện của cụ Nguyễn Duy Niên và Viễn Kính ảnh viện của ông Đinh Tiến Mậu. Cũng trong không gian này, du khách có thể tìm hiểu về nhiếp ảnh của người Lai Xá ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những hợp tác xã nhiếp ảnh, nơi những người chủ và người thợ ảnh ở các cửa hiệu được tập hợp lại để làm ăn tập thể. Các hợp tác xã này được giải thể vào cuối những năm 1980, khi công nghệ kỹ thuật số tạo ra thế hệ máy ảnh mới thay thế các máy ảnh cổ truyền du nhập vào nước ta. Đó là các hiệu ảnh của Nhà nước – hiệu ảnh quốc doanh, nơi lúc đầu hợp doanh một số hiệu ảnh lớn của tư nhân với vốn của nhà nước hoặch các hiệu ảnh chỉ do nhà nước đầu tư. Trưng bày cũng giới thiệu một phác thảo về nghề ảnh Lai Xá thời hội nhập.

Không gian thứ ba, dành cho du khách bếp núc của nghề ảnh, đặc biệt nghề ảnh thời chiến tranh. Không gian này được tạo dựng chật hẹp, với vẻ tù túng như trong căn buồng tối in phóng ảnh xưa. Cũng chính vì thế khách thăm sẽ bất ngờ khi bước vào căn phòng rất hẹp lại dùng ánh sáng đỏ, như màu đèn đỏ trong buống tối tráng phim, rửa ảnh. Ở đây còn trưng bày một số máy ảnh, thuốc ảnh, máy phóng ảnh và kỹ thuật chấm sửa ảnh bằng tay. Du khách được trải nghiệm để hiểu người Lai Xá đã vượt quan những khó khăn khan hiếm thuốc ảnh, giấy ảnh thời chiến như thế nào để vẫn có thể phục vụ nhu cầu ảnh của nhân dân và đất nước, vẫn tạo ra được những bức ảnh gây xúc động lòng người.

Từ phòng tối bước ra không gian thứ tư, thoáng đãng hơn mở ra một khu trưng bày với một phong cách khác. Ở đây giới thiệu một số sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối. Những sản phẩm này được phân loại và kể theo một số chuyên đề về ảnh, đó là ảnh chana dung, ảnh thờ, nghệ thuật ánh sáng trong chụp ảnh, ảnh ghép và ảnh tô mầu bằng tay. Những bức ảnh này cho thấy phần nào nghệ thuật và thẩm mỹ chụp ảnh, làm ảnh của người Lai Xá. Bằng con mắt, trí thông minh và đôi bàn tay khéo léo, người Lai Xá đã góp phần hình thành và phát triển văn hóa ảnh ở nước ta, từ việc gây dựng nhu cầu về ảnh, kỹ thuật chụp ảnh, buôn bán vật tư ảnh cho đến sáng tạo các tác phẩm về ảnh có giá trị cho quá khứ, hiện tại và tương lai.

Không gian thứ năm, không gian cuối cùng của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, nói về nghề ảnh với người Lai Xá hiện nay. Mặc dù rất khó khăn trong việc thích ứng với thời đại kỹ thuật số, người Lai Xá vẫn kiên trì nghề ảnh của cha ông. Câu lạc bộ nhiếp ảnh Lai Xá được thành lập năm 2012 đã tập hợp và đào tạo một thế hệ trẻ những người yêu nghệ thuật ảnh. Trưng bày giới thiệu một số hoạt động và những bức ảnh đẹp của các thành viên Câu lạc bộ.

Khách tham quan có thể hiểu nghề ảnh Lai Xá hiện nay qua 5 hiệu ảnh của người Lai Xá (gồm: Sơn Hà, Đức Lai, Văn Lai, Hồng Thảo và Thủ Đô) ở ngay trong không gian của thông – phố Lai Xá. Một hiệu ảnh ở nội thành Hà Nội (hiệu ảnh 441 phố Bạch Mai) đang hành nghề hàng ngày. Hiệu ảnh Mỹ Lai ở Sài Gòn kiên trì giữ vững tên thương hiệu của mình suốt hơn 80 năm qua, là một biểu tuợng đẹp của truyền thống nhiếp ảnh Lai Xá cũng được giới thiệu trong không gian cuối cùng này.

Kết thúc phòng trưng bày, khách tham quan có dịp hiểu thêm một truyền thống mới của nghề ảnh Lai Xá, đó là việc hình thành và phát triển những thế hệ phóng viên nhiếp ảnh, những nghệ sĩ nhiếp ảnh và làm nghệ thuật từ thời chiến tranh cho đến hiện tại.

Có thể khẳng định, với việc khánh thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cùng với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery Nguyễn Anh Tuấn… và những thế mạnh về di sản văn hóa truyền thống, Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá hứa hẹn trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi tới Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến.

P.V

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *