Lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức nhằm rước các Thánh du Xuân và thưởng lãm cảnh quan 5 làng và cầu cho quốc thái dân an…
5 làng Mọc của Thăng Long xưa kia – Hà Nội ngày nay là 5 ngôi làng cổ ven sông Tô Lịch.
Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc được hình thành từ tục kết chạ giữa 5 làng: Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang, vừa kết thân, vừa tương trợ lẫn nhau. Việc kết thân của 5 làng bắt nguồn từ câu chuyện có cậu bé khi đói nhận được nắm cơm của Vua đã chia cho 4 cậu bé khác, 5 cậu sau lập nghiệp ở 5 làng trong vùng Kẻ Mọc, sau lớn lên vẫn giữ mối tình thân.
Mỗi làng Mọc thờ một vị thành hoàng làng riêng: Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông – Tướng thời Phùng Hưng; Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công – Người có công đánh giặc Nam Chiêu và thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương, người làng Quan Nhân; Phùng Khoang thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng – Tướng nhà Lý; Cự Chính thờ đức Lã Đại Liêu thời Ngô Quyền (Cự Lộc và Chính Kinh sau nhập lại thành Cự Chính). Các làng nay là các phố, phường thuộc 2 quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm.
Đến hẹn lại lên, hàng năm 5 làng Mọc lại tổ chức lễ hội vào chính ngày 11 và 12 tháng Hai âm lịch, 5 năm tổ chức đại đám một lần. Địa điểm chính diễn ra lễ hội là ở đình các thôn Mọc, trong đó đình Quan Nhân, quận Thanh Xuân thường được coi là trung tâm của lễ hội.
Lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức nhằm rước các Thánh du Xuân và thưởng lãm cảnh quan 5 làng và cầu cho quốc thái dân an…Theo các cụ cao niên địa phương, khi xưa lễ hội 5 làng Mọc tổ chức kéo dài cả tháng, nay chỉ gói gọn trong 6 ngày, do phường Nhân Chính – Quận Thanh Xuân đảm nhiệm là chủ yếu.
Trước ngày tổ chức lễ hội, chính quyền và đại diện Nhân dân của 5 làng sẽ cùng nhau họp bàn và thực hiện các nghi lễ như: Lễ mở cửa đình, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ y phong…Sau đó, đến ngày 8 tháng Hai, các bô lão 5 làng sẽ làm lễ trình tại đình và cho tập duyệt quân, kiệu.
Ngày 9 tháng Hai, buổi sáng các ông bà chủ tế, khởi chỉ, tổng cờ cùng các giai nam, giai nữ ra đình làm lễ trình Thánh. Buổi chiều tổng duyệt đoàn rước.
Ngày 10 tháng Hai, các dòng họ 5 làng sẽ lần lượt dâng lễ cúng Thánh.
Ngày 11 tháng Hai tổ chức rước kiệu Thánh. Đám rước bao gồm nghi trượng đủ bộ, trống bản, rồng, sư tử, các đội múa sênh tiền, đội tế, kiệu Thánh, kiệu long đình, kiệu hoa, quan viên chức sắc… của 5 làng.
Ngày 12 tháng Hai các làng rước Thánh lễ tại đình làng mình rồi rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó.
Sau lễ rước, tổ chức tế hội đồng. Buổi chiều bế mạc, đội tế Nam Quan tế yên vị.
Ngày 13 tháng Hai, buổi sáng, ông bà Khởi chỉ, Giai nam, Giai nữ làm lễ tạ, buổi chiều các ban lễ hội làm lễ tạ.
Ngày chính hội, các làng rước Thánh theo đội hình: Đi đầu đoàn rước là 5 lá cờ ngũ hành, tiếp đến là đội múa cờ, múa rồng, rồi trống, chiêng, đội sư tử, đội ngựa, voi, đội múa bồng, hương án, long đình, đội cờ, đội lộ bộ, phường bát âm, kiệu Thánh, kiệu bát cống, kiệu hoa, voi nan, ngựa gỗ… Đoàn rước của 5 làng nối tiếp nhau dài hàng cây số, cứ đi một bước lại nghỉ một bước, tiếng chiêng, trống, nhạc rộn rã, tưng bừng. Nổi bật và gây chú ý là các đội múa rồng, múa lân, sư tử; những ông thổ, ông địa vừa đi vừa múa khiến không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.
Nét tiêu biểu của lễ hội 5 làng Mọc là múa rồng – Thể hiện lòng biết ơn của mọi người với người con kẻ Mọc đã sáng tạo ra con rồng rơm, giúp quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh năm nào.
Trong lễ hội 5 làng Mọc, các màn kiệu bay, kiệu quay rất hấp dẫn. Người và kiệu khi chạy quay vòng, lúc lại tiến, lui ào ào…
Tới đình làng chủ hội là nghi thức tế lễ. Chúc văn được đọc tại buổi tế hội đồng thể hiện lòng biết ơn với các vị Thánh, mong muốn được Thánh ban phúc lành cho dân và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.
Lễ vật dâng lên các Thánh trong lễ hội 5 làng Mọc bao giờ cũng có thịt lợn hoặc thịt bò (xưa kia cúng cả nguyên con). Việc tế lễ kết thúc, kiệu Thánh làng nào rước về làng ấy, gọi là rước Thánh Hồi cung… Ngoài việc tế lễ, rước xách, lễ hội truyền thống 5 làng Mọc còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người, đi cầu treo, bắt vịt dưới ao, đập niêu, bịt mắt bắt dê, chọi gà, đánh đu, tổ tôm điếm, đánh vật; buổi tối thường có hát chèo, hát ả đào; ngày nay là các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi…
Với những giá trị đặc sắc, là nơi lưu giữ và trao truyền các nghi lễ, nghệ thuật trình diễn dân gian, trò diễn dân gian đặc sắc và các giá trị lịch sử, văn hóa… Lễ hội 5 làng Mọc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 1727/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 5 năm 2021.
Năm 2023, Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc diễn ra từ ngày 01/3/2023 đến ngày 03/3/2023 (tức từ ngày 10 – 12 tháng Hai năm Quý Mão), tại đình Mọc Quan Nhân.
Lễ hội đã diễn ra an toàn, trang trọng, văn minh, tiết kiệm, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội có nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian độc đáo như: Lễ rước kiệu, lễ tế hội đồng, múa hát và các trò chơi dân gian, đặc biệt là múa rồng tưởng nhớ người con làng Mọc làm ra rồng lửa giúp quân Tây Sơn đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi…
Hiện chính quyền và Nhân dân 5 làng Mọc đang háo hức chuẩn bị và đón chào kỳ lễ hội mới – Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc năm Giáp Thìn 2024.
Thanh Quy