Lễ hội

Lễ hội Cổ Loa – Lễ hội độc đáo của Hà Nội

Ngày 3/2/ 2025, (tức ngày 6 tháng Giêng, năm Ất tỵ) lễ tế, rước chính tại Lễ hội Cổ Loa đã được diễn ra một cách long trọng, thành kính, thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương tham gia.

Mùa Xuân là mùa của lễ hội. Trên địa bàn Thủ đô có hàng trăm  lễ hội lớn nhỏ được tổ chức vào mùa Xuân, trong đó có lễ hội Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Lễ hội Cổ Loa được tổ chức chính hội vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm, tại KHu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương – người lập nên Nhà nước đầu tiên của nước ta.

Theo dân gian thì ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương nhập cung. Ngày 9 tháng Giêng vua tổ chức Lễ đăng quang, lên ngôi Vương và tổ chức khao quân.

Lễ hội Cổ Loa lấy ngày vua nhập cung là chính hội. Lễ hội đã tồn tại hàng ngàn năm nay, được Nhân dân Cổ Loa giữ gìn, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Qua lễ hội nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Nét độc đáo đầu tiên của Lễ hội Cổ Loa là có sự tham gia của nhiều thế hệ, từ người già đến trẻ em, đầy đủ các giới.

Nét độc đáo thứ hai của Lễ hội Cổ Loa là có sự tham gia của Bát xã (8 xã) Loa Thành khi xưa, nay gồm nhiều làng ở nhiều xã của huyện Đông Anh, tạo thành lễ hội vùng, thu hút hàng ngàn người tham dự.

Bát xã Loa thành cùng nhau rước kiệu đến đền Cổ Loa để thờ phụng, cúng tế đức Vua, sau đó 8 làng rước kiệu về làng mình và tổ chức lễ hội riêng. Đến ngày 18 tháng Giêng lễ hội Cổ Loa mới chính thức kết thúc. Để có được một lễ hội quy mô, hoành tráng, với nhiều nghi thức, lễ tục độc đáo thì công tác chuẩn bị lễ hội đã được Bát xã Loa thành tổ chức từ nhiều ngày trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là việc lựa chọn người tế lễ, khiêng kiệu, rước thánh vô cùng quan trọng và kĩ lưỡng.

Lễ hội Cổ Loa gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ độc đáo nhất là nghi thức rước kiệu vào đền An Dương Vương. Đoàn kiệu đi từ đền Thượng vòng quanh giếng Ngọc rồi theo đường chân thành Nội tới đình Ngự Triều. Ngoài 8 kiệu của Bát xã, còn có nhiều ngựa hồng, bạch, cờ quạt và không thể thiếu các bộ vũ khí. Các bộ vũ khí được đưa vào đền thờ cúng như cung, tên, nỏ khi tế lễ. Khi Bát xã tế lễ thì anh Cả Quậy được vào lễ trước (Làng Quậy vốn là dân bản xứ Loa Thành, di dời nơi khác để Vua xây thành Cổ Loa). Vào ngày hội, các làng ở Bát xã Loa thành phải ra đón Đoàn tế lễ làng Quậy. Vào hội, làng Quậy còn được làm lễ đọc “Mật khẩn” ở chiếu trên. Phần tế hội đồng ở lễ hội Cổ Loa sẽ kéo dài khoảng 2 tiếng, trải qua 67 lần xướng….

Phần hội của Lễ hội Cổ Loa, gồm múa rối nước, hát quan họ ở Giếng Ngọc, các trò chơi dân gian như đu tiên, chơi cờ người, đấu vật, bắn nỏ, ngày nay còn có các chương trình nghệ thuật, các giải đấu thể thao v.v.

Lễ hội Cổ Loa đã được Bộ VHTTDL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2021.

Ngày 3/2/ 2025, (tức ngày 6 tháng Giêng, năm Ất tỵ) lễ tế, rước chính tại Lễ hội Cổ Loa đã được khai mạc, thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương tham gia.

Tại Lễ khai mạc Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào sáng ngày 3/2/2025, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết: Cách đây hơn 2.300 năm, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống hơn 50 vạn quân Tần thắng lợi, Thục An Dương Vương đã xây dựng Loa thành tạo nên kinh đô Cổ Loa của nước Âu Lạc, một trong những di tích lịch sử vô cùng quý giá với các vòng thành độc đáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, các khu di chỉ khảo cổ học quan trọng, nơi hai lần được chọn là kinh đô của nước Việt. Trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh việc tưởng nhớ công lao của vua An Dương Vương và các bậc tiền bối với dân với nước, lễ hội Cổ Loa còn tôn vinh truyền thống yêu nước của dân tộc, cầu cho quốc thái dân an.

Quỳnh Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *