Văn hoá đời sống

Lễ hội hát Chèo tàu Tổng Gối

Tổng Gối gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long (nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) từ lâu đã nổi tiếng với lễ hội hát Chèo tàu độc đáo.

“Bốn làng bốn mẹ chiêu quân
Rước ra vào đám để dân chèo tàu”

Tổng Gối nằm dọc theo hai bờ sông Nhuệ cổ, giữa một vùng văn hóa dân gian truyền thống, lại sát kinh thành Thăng Long xưa. Đây vốn là vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Hồng, vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Tích xưa kể lại tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Ông nổi tiếng với 6 lời thề ước và chỉ huy đội quân “hắc y” đánh đâu thắng đấy. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất Tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu.

Bên cạnh đó, ở Tổng Gối còn có một lý giải khác, rằng hội Chèo tàu liên quan đến cuộc hội quân ở bãi Quân thần (nay thuộc phường Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, tiếp giáp với Tổng Gối xưa) giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử, bàn việc chia miền đất cai trị cho mỗi bên. Trong cuộc hội quân ấy Lý Phật Tử đi tàu (thuyền) còn Triệu Quang Phục đi tượng (voi) đến dự. Hội hát Chèo tàu là một hình thức diễn đạt cuộc hội quân ấy, nên có thuyền có voi. Cũng có tích kể rằng, ngày xưa, Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Hán, kéo quân qua Tổng Gối, thuyền bè qua lai trên sông Nhuệ, sông Hồng tập nập, khí thế hào hùng. Nhân dân tưởng nhớ công lao của Hai Bà, mô phỏng cảnh múa hát của quân tướng Hai Bà lúc nghỉ ngơi, đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật hát Chèo tàu để tưởng niệm, nên hát Chèo tàu còn được gọi là hát Tàu Tượng. Người tham gia hội hát đều là nữ hoặc nữ giả nam. Đây cũng là nét riêng đặc sắc của hội hát Chèo tàu.

Ba truyền thuyết ấy đều song song tồn tại, giúp chúng ta giải thích nguồn gốc của hội hát. Tuy nhiên, truyền thuyết về tướng Văn Dĩ Thành là phổ biến nhất, thể hiện ở tín ngưỡng của Nhân dân địa phương và nội dung các lời ca trong hội đều liên quan đến việc thờ cúng tướng Văn Dĩ Thành. Đội nghĩa binh áo đen của tướng Văn Dĩ Thành có cách đánh giặc sở trường đó là chèo thuyền trong đêm bí mật đánh quân địch. Và đội chèo thuyền ấy chính là các bà, các cô thông thạo sông nước. Những điệu hát được xướng lên từ những người phụ nữ như một sự ca ngợi về lòng dũng cảm, chịu thương, chịu khó của người con gái đất Tổng Gối. Chính vì vậy điều đặc biệt và lạ của hát Chèo tàu là chỉ có nữ hát, nữ đóng giả nam trong các vai diễn như quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu, đây là nét riêng rất độc đáo của Chèo tàu.

“Tháng giêng đóng đám ngoài đình
Trong dư năm tỉnh nức lòng người xem
Tướng cờ trương kiệu đôi bên
Giữa thì tàu hát bên thiềng đôi voi”

Câu hát chèo cổ này phần nào đã khắc họa nên khung cảnh của hội hát Chèo tàu Tổng Gối xưa. Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, hội Chèo tàu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1683 và theo tục lệ cứ 25 đến 30 năm tổ chức một lần, vào năm mưa thuận gió hòa, bốn thôn được mùa. Tài liệu cũ ghi lại, hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1922 và bị gián đoạn do chiến tranh. Đến năm 1998, hội được khôi phục lại. Hiện nay, hội Chèo tàu cứ 5 năm được tổ chức một lần diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm, thu hút đông đảo người dân trong vùng tham dự. Còn hằng năm, xã Tân Hội và câu lạc bộ Chèo tàu sẽ dâng lễ ở miếu Voi phục, lăng Văn Sơn.

Vào năm được tổ chức, ngày 13 tháng Giêng, các cụ cao niên sẽ chịu trách nhiệm việc bao sái đồ thờ, dọn dẹp miếu Voi Phục và lăng Văn Sơn. Sáng sớm ngày 14, lễ rước được tiến hành. Đoàn rước đi đến cổng lăng Văn Sơn, làm lễ bái vọng, sau đó rước kiệu ra miếu Voi Phục. Cùng lúc đó, tại lăng Văn Sơn sẽ diễn ra màn hát Chèo tàu. Sáng ngày 15 tháng Giêng các ban tế vẫn tế lễ tại lăng Văn Sơn, miếu Voi Phục và kết thúc vào buổi chiều bằng lễ tế giã.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Bà chúa tàu khoảng 50 tuổi, phải là người giỏi múa hát, gia đình song toàn. Cái tàu và con tàu là gái thanh tân từ 13 – 16 tuổi, gia đình gia giáo, bản thân ngoan ngoãn, hát hay, múa giỏi. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.

Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Quy trình hát được thực hiện chặt chẽ theo thứ tự: Lễ trình, dâng hương, dâng rượu, bài tàu (hoặc bài tượng), hát bỏ bộ, hát các bài lý, hát ví… Điều đặc biệt là, tất cả các bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ. Dù đã trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng lời ca, điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình, vẫn làm say đắm lòng người.

Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *