Văn hóa

Lễ mừng thọ, nét văn hóa mang ý nghĩa nhân văn

Lễ mừng thọ, nét văn hóa mang ý nghĩa nhân văn. Lễ mừng thọ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt trong mỗi dịp đầu Xuân hoặc vào đúng ngày sinh. Mừng thọ là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam ta bởi […]

Lễ mừng thọ, nét văn hóa mang ý nghĩa nhân văn. Lễ mừng thọ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt trong mỗi dịp đầu Xuân hoặc vào đúng ngày sinh. Mừng thọ là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam ta bởi nó thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên…

Không rõ phong tục mừng thọ chính xác có từ bao giờ, nhưng đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão.

          Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Điều này thể hiện ngay trong đời sống thường nhật, trong những lời chúc tụng, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng.
Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc; con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng.

1

Chúc thọ đầu xuân trở thành nét đẹp văn hóa ở nhiều địa phương

Thông thường, những nghi thức trong lễ mừng thọ phụ thuộc vào phong tục của từng nơi, từng địa phương mà có cách tổ chức khác nhau.
Về cơ bản mừng thọ được tổ chức tại gia. Trong ngày mừng thọ, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ, tặng một sỗ lễ vật nhỏ như: tấm áo, chiếc khăn… hay làm thơ, câu đối, tặng chữ, tặng tranh… để ông bà vui lòng.

          Các cụ được quan tâm sẽ phấn khởi vì thấy rằng đã cổ lai hy vẫn không bị đối xử lạnh nhạt. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở trước sau với người đời, với xã hội.

          Một lễ mừng thọ được tổ chức sao cho vừa trang trọng vừa ấm cúng sẽ đem lại niềm vui và may mắn cho cả gia đình. Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì con cháu đề huề lại hiếu thảo, họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cái, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình, vui vẻ vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ.

          Những năm gần đây, lễ mừng thọ không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn có các hội, đại diện chính quyền tham gia chúc thọ. Nhiều nơi bây giờ tổ chức mừng thọ cho các cụ ở đình rất long trọng, vừa có tục lệ xưa lại vừa thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với người được mừng thọ.

          Giờ đây phong trào “Áo lụa tặng bà” của thiếu niên đang ngày một rầm rộ và nhận được nhiều lời khen ngợi của mọi người. Ấy chính một việc làm theo lời Bác, bởi sinh thời Bác Hồ cũng rất quan tâm đến việc thưởng lụa cho các cụ cao tuổi, thọ lâu./.

                                                                             Thanh Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *