Ngày 24/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết có tính lịch sử nhằm mục đích củng cố việc bảo vệ những di sản văn hóa
Trước tình trạng nhiều di sản văn hóa như di tích tôn giáo và các hiện vật khảo cổ bị phá hủy và cướp bóc tại những khu vực đang xảy ra xung đột vũ trang, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/3 đã thông qua một nghị quyết có tính lịch sử nhằm mục đích củng cố việc bảo vệ những di sản như vậy.
Phát biểu sau khi nghị quyết trên được thông qua, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) nhấn mạnh: “Hành vi cố tình phá hủy các di sản đã trở thành một thủ thuật chiến tranh nhằm chia rẽ các xã hội về lâu dài trong khuôn khổ chiến lược thanh trừng văn hóa. Đó là lý do tại sao mà bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là một vấn đề văn hóa, mà còn là một nhu cầu cấp bách về an ninh, không thể tách rời với việc bảo vệ cuộc sống của con người.”
Trong buổi báo cáo đầu tiên trước Hội đồng Bảo an trên cương vị là người đứng đầu UNESCO, bà Bokova giải thích rằng kể từ khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 2199 (năm 2015) cấm buôn bán tài sản văn hóa có xuất xứ từ Iraq và Syria, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn các nguồn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố thông qua việc buôn lậu đồ cổ.
Bà nhấn mạnh rằng UNESCO, Interpol, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), các cơ quan hải quan, khu vực tư nhân và các viện bảo tàng đều tăng cường hợp tác, phối hợp hành động.
Với nghị quyết mới được thông qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng phát đi thông điệp rằng những hành vi phá hủy như vậy có thể cản trở tiến trình hòa giải hậu xung đột, gây phương hại tới sự phát triển kinh tế và văn hóa, và trong một số điều kiện nhất định, còn cấu thành tội ác chiến tranh.
Người đứng đầu UNESCO cho rằng chỉ sử dụng vũ khí thì không đủ để đánh bại chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Việc gây dựng hòa bình còn cần cả văn hóa. Đây là thông điệp của nghị quyết có tính lịch sử này.
Về phần mình, Giám đốc điều hành UNODC ông Yury Fedotov cho biết ngoài việc nỗ lực hết sức để thực thi các quy định của quốc tế về bảo vệ văn hóa, các quốc gia cần phải chú trọng hơn nữa vào việc điều tra, hợp tác xuyên biên giới, trao đổi thông tin và huy động sự tham gia của các đối tác thuộc cả khu vực công lẫn tư nhân để cùng nhau ngăn chặn hoạt động buôn bán phi pháp các tài sản văn hóa.
Theo (Theo Vietnam+)