Nghệ thuật

Lỗ Khê – cái nôi của ca trù Việt

Mấy trăm năm qua, đất ca trù Lỗ Khê đã sản sinh ra nhiều đào nương, kép đàn nổi tiếng khắp cả nước. Có thể kể đến như kép đàn Nguyễn Văn Tuyến – người được đánh giá là một trong những kép đàn hay nhất của nước ta, nghệ nhân trống Hoàng Kỷ – được coi là Đệ nhất trống chầu…

Lỗ Khê là một làng Việt cổ thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Làng quê ấy chưa giàu về kinh tế, nhưng lại rất giàu về văn hóa – là mảnh đất của những con người khéo tay, hay làm với những sản vật nổi tiếng như bánh chưng xanh, rượu nếp cái hoa vàng và là cái nôi sản sinh ra ca trù đất Bắc. Ca trù là bộ môn diễn xướng nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thơ ca và âm nhạc, thịnh hành từ thế kỷ 15.

Theo ngọc phả tại đền thờ Ca Công, thờ tổ ca trù là ông Đinh Dự, con của tướng Đinh Lễ. Từ bé, Đinh Dự đã bộc lộ tài năng ca hát. Khi lập gia đình, vợ ông, bà Đường Hoa Tiên Hải, cũng có năng khiếu ca hát. Hai vợ chồng Đinh Dự đã mở giáo phường dạy hát, nổi tiếng khắp vùng. Học trò của họ theo học khá đông. Chẳng những là người trong làng mà còn có nhiều học trò ở các nơi, trong nhiều phủ quanh vùng đến theo học.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, đã triệu vợ chồng ngài Đinh Dự về kinh đô để biểu diễn và ban thưởng. Sau khi Đinh Dự mất, Vua cho triệu vời Quản giáp Lỗ Khê về kinh đô nhận mỹ tự “Sinh từ tự điển” (Điển lễ thờ cúng) giao cho giáo phường thờ phụng thờ vợ chồng ngài Đinh Dự và gửi đến Lỗ Khê bài thơ ca ngợi vợ chồng Đinh Dự:

“Đường lên cổ miếu ngút trời cây

Trung thần báo quốc nhớ tháng ngày

Ai bảo được trung thì mất hiếu?

Hết lòng vì nước hiếu trung thay”…

Nhà thờ Ca Công xây dựng xong vào năm 1430, sau hai kỳ giỗ Tổ nghề. Đến nay, cứ đến ngày sinh (6/4 âm lịch) và ngày mất (13/11 âm lịch) của Tổ nghề, con cháu theo nghề ca trù khắp nơi trong cả nước lại về bái lễ và hát thờ trình Tổ tại cửa đền. Mỗi kỳ ấy thường kéo dài hai đến ba ngày. Hai họ Nguyễn Văn và Nguyễn Thế ở Lỗ Khê được coi là những họ được truyền nghề của địa phương suốt từ khi Tổ nghề mất, cho đến tận bây giờ…

Năm Canh Thìn 1460, Vua Lê Thánh Tông lên ngôi, xét công trạng đã phong cho Đinh Dự là “Thanh xà Đại vương” và phong cho bà vợ là “Mãn Đường Hoa công chúa”. Vợ chồng ngài Đinh Dự, Tổ sư của ca trù đã được giáo phường Lỗ Khê tạc tượng từ giữa thế kỷ 15, nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn ở nhà thờ Ca Công. Ca trù, từ thế kỷ 15 trở đi được coi là một loại ca trong cung đình, được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Nó có ba điệu chính là Hát chơi, Hát cửa đình, Hát thi, trong đó Hát cửa đình – hát thờ được coi là tinh hoa của loại diễn xướng này. Lỗ Khê là nơi lưu giữ lại thể hát ca trù cửa đình và nhiều điệu múa cổ.

Mấy trăm năm qua, đất ca trù Lỗ Khê đã sản sinh ra nhiều đào nương, kép đàn nổi tiếng khắp cả nước, đầu thế kỷ XX, khi ca trù thịnh hành, nhiều người làng Lỗ Khê mở ca quán tại phố Khâm Thiên, đi hát cửa đình ở các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hưng Yên. Ca nương Lỗ Khê nổi tiếng đất Hà Thành khi ấy là bà Phạm Thị Mùi. Bà là danh ca hát Cửa đình và là người còn giữ lại được nhiều làn điệu của lối hát thờ như Thét nhạc, Thiên thai chênh, Cung bắc, Ngâm vọng ….Ngoài ra, còn có  các tài danh Nguyễn Thị Diêm, Nguyễn Thị Tĩnh (giành giải Nhất thi hát cửa đình ở Vĩnh Yên năm 1921) và các danh đào, kép đàn: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thế Bam, Nguyễn Văn Tiếu…

Đình Ca Công – nơi thờ Tổ nghề ca trù Lỗ Khê.

 Sau cách mạng tháng Tám, do những yếu tố khách quan và chủ quan, ca trù Việt Nam nói chung, ca trù Lỗ Khê nói riêng bị mai một, không còn nhiều người giữ nghề. Năm 1995, chính quyền thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà đã khôi phục lại ca trù và thành lập câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê. Khi ấy, các nghệ nhân gạo cội của Lỗ Khê hầu hết đã mất, chỉ còn ca nương Phạm Thị Mùi đã cao tuổi, nhưng bà vẫn nhiệt tình truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Lứa đầu tiên do bà Mùi dạy đã đào tạo nên những ca nương nổi tiếng của CLB là Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến… CLB còn nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của nghệ nhân Hoàng Kỷ. Ông đã nhiệt tình đi đến từng nhà, hỏi han, ghi chép về ca trù cổ Lỗ Khê. Nhờ biết chữ Hán, nghệ nhân trống Hoàng Kỷ còn tìm trong các văn bản cũ về nghệ thuật ca trù rồi phiên âm ra tiếng Việt. Các tài liệu nghệ nhân biên soạn gồm: Ca trù hát Cửa đình (các bài hát của giáo phường xưa), sưu tầm được 40 thể loại bài hát Cửa đình với nội dung còn nguyên vẹn; ghi chép được 12 bài múa cổ, như: Múa Tiên, múa bỏ bộ, múa tứ linh… Huyện Đông Anh nhiều năm qua cũng đã có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống huyện Đông Anh, trong đó có ca trù. Ngành VHTT huyện và CLB ca trù Lỗ Khê hàng năm đều tổ chức các lớp truyền dạy ca trù. Năm 2020, UBND xã Liên Hà phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nghệ thuật hát ca trù với 35 học viên.


Các nghệ nhân CLB ca trù Lỗ Khê truyền dạy cho các học viên.

Các nghệ nhân Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Mận, Đinh Thị Vân ngoài biểu diễn cùng giáo phường ở Lỗ Khê và các địa phương còn tham gia truyền dạy cho các em nhỏ. Từ năm 2009 đến nay, nhiều thế hệ trẻ đã được truyền dạy, đào tạo. Trong đó, một số em đạt được thành tích xuất sắc, tiêu biểu như em Thục Trinh giành giải B và giải Thí sinh tài năng trẻ tuổi nhất tại Liên hoan tài năng trẻ Ca trù Hà Nội năm 2016, khi mới chỉ 7 tuổi.

Là đất tổ ca trù, không chỉ từ xưa, mà nay Lỗ Khê luôn tạo ra được đông đảo những kép đàn, ca nương nổi trội, có thể kể đến như kép đàn Nguyễn Văn Tuyến người được đánh giá là một trong những kép đàn hay nhất của nước ta, nghệ nhân trống Hoàng Kỷ – được coi là Đệ nhất trống chầu và là người có công đầu trong quá trình khôi phục lại ca trù Lỗ Khê. Ngoài ra còn có các nghệ nhân đàn Nguyễn Thế Hối, Nguyễn Văn Hân, ca nương Phạm Thị Điền, Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo…

Ngày 01/10/2009, nghệ thuật ca trù đã trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Ca trù được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là niềm vui cho những ai yêu và gắn bó với ca trù, trong đó có những người dân Lỗ Khê, để họ thêm yêu quý, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *