Lễ hội

Long trọng Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Canh Tý

Ngày 30/01/2020 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Canh Tý 2020.

Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trịnh Đình Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hoàng Trung Hải – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc; lãnh đạo các quận, huyện bạn, huyện Mê Linh cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cùng các đại biểu làm lễ dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã ôn lại tinh thần đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Không cam chịu ách cai trị của quân Đông Hán, năm 40 (sau Công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, Nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc, rồi xưng Vương (năm 40 – 43 sau Công nguyên).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ mang lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của Nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc. Sau khi Hai Bà Trưng mất, để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đối với công đức hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân Mê Linh, thành phố Hà Nội đã lập đền thờ Hai Bà tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã không ngừng phấn đấu đạt được những thành tựu vượt bậc, toàn diện về phát triển kinh tế – xã hội góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những thành tựu đã đạt được, năm 2020, thành phố Hà Nội quyết tâm, chủ động đổi mới, đoàn kết lãnh đạo phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại xứng đáng với với công lao của Hai Bà Trưng.

Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vô cùng vĩ đại, tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn lưu mãi sử xanh. Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà cũng đã để lại di sản tinh thần, bài học vô giá, đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trong đó có sức mạnh, trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và được gìn giữ, phát triển qua các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Theo Phó Chủ tịch nước, kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi của Hai Bà, đồng thời cũng thấy được niềm tự hào, trách nhiệm lớn lao của con cháu Hai Bà Trưng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ tịch nước tin tưởng rằng, năm 2020, với sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội, sự quyết tâm, tích cực của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô sẽ phát huy truyền thống của Hai Bà Trưng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn kết một lòng, tạo lên sức mạnh tổng hợp để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Cũng tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đánh trống khai Hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Canh Tý 2020. Các đại biểu và nhân dân đã được thưởng thức Chương trình văn nghệ đặc sắc do Nhà hát tuồng Việt Nam biểu diễn; thưởng thức màn trống hội truyền thống do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mê Linh trình diễn.

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng diễn ra trong 03 ngày (từ ngày mùng 6 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Canh Tý). Tại Lễ hội sẽ diễn ra nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân vui hội như tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi, biểu diễn võ thuật, cờ tướng, múa rối nước, hát quan họ, vật dân tộc, kéo co, bịt mắt đập niêu, đi cầu khỉ…. Ngoài ra, Lễ hội còn tổ chức Triển lãm Dấu ấn vàng son trưng bày 23 đạo sắc phong (là các tài liệu lưu trữ quý hiếm) và một số cổ vật; Triển lãm ảnh Mê Linh đất và người; Triển lãm Hoa đất Việt giới thiệu thông tin về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cũng như thân thế, sự nghiệp của bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, các danh tướng nữ của Hai Bà Trưng và một số nhật vật nữ để lại dấu ấn trong chiều dài lịch sử Việt Nam; có khu trưng bày, các gian hàng giới thiệu các sản vật của địa phương do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Mê Linh thực hiện.

Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các đại biểu đã làm lễ dâng hương, tưởng niệm Hai Bà Trưng tại Đền Hai Bà Trưng.

PV

Ảnh: melinh.hanoi.gov.vn

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *