Nghệ thuật

Lý triều dựng nghiệp và câu chuyện gây dựng vương triều của Lý Công Uẩn

Câu chuyện về Lý Công Uẩn, vị tướng tài đã có công tạo dựng nên vương triều nhà Lý và rời đô về đất Thăng Long đã được phác họa một phần qua vở cải lương “Lý triều dựng nghiệp” của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Lý triều dựng nghiệp là kịch bản được Hoàng Quỳnh – Mai Chi viết dựa trên tiểu thuyết Cái hột mận của tác giả Lan Khai. Vở diễn do đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng và được Nhà hát Cải lương Việt Nam hoàn thành và ra mắt trung tuần tháng 11/2017.
Vở diễn được mở đầu với giấc mơ của Lê Long Đĩnh về một quả khế có hạt mận cùng lời sấm truyền: Vua thì non yếu, tôi thì cường thịnh, nhà Lê mất, nhà Lý nổi lên. Vì thế vị vua chuyên nằm để thiết triều này quyết định bắt và giết hết tất cả những người mang dòng họ Lý để tránh nỗi lo bị cướp ngôi như lời đồn thổi.

Cuộc sống của biết bao tầng lớp nhân dân dưới thời vua Lý Long Đĩnh, ông vua được gọi là “bạo chúa” này phải chịu biết bao lầm than, đói khổ, nay thêm lệnh tất cả mọi người của dòng họ Lý phải chịu cảnh bị trầm hà khiến cho nỗi oán thán trong thiên hạ ngày càng chồng chất… Nhưng lệnh vua là ý trời, mấy ai dám chống… Ấy vậy mà ca nương Lý Khánh An đã không hề run sợ, cô đã cất tiếng hát thê lương khóc cho những cái chết oan nghiệt của những người trong dòng tộc và chỉ thẳng vào mặt Lê Long Đĩnh – Lý Ngọa Triều mà nói rằng đó là ông vua bạo chúa…

Trong khi tất cả những người trong dòng họ Lý đều bị trầm hà thì mọi nỗi lo lắng lại dồn về tướng quân Lý Công Uẩn, con người được xem là có khí phách và bản lĩnh sáng ngời của bậc trung thần vì nước, thương dân. Lý Công Uẩn thoát án bị trầm hà bởi được hoàng hậu đương triều đem lòng yêu mến và cũng bởi cái lý ông chỉ là con nuôi của dòng họ Lý. Tuy nhiên Lý Công Uẩn và những người thân tín xung quanh đều luôn là cái gai và “mầm mống phản loạn” trong mắt Lê Long Đĩnh…
Khi có giặc Chiêm Thành xâm chiếm đất nước, Lê Long Đĩnh đã lệnh cho Lý Công Uẩn cầm quân chinh chiến, một mặt là để bảo vệ đất nước nhưng một mặt cũng muốn mượn tay của vua Chiêm Thành để “kìm hãm” sức mạnh và sự ảnh hưởng của vị tướng tài ba này.

Trong lúc Lý Công Uẩn mang quân đi dẹp giặc thì cha con Thái sư Phạm Cự Lượng, một trong những vị quan thân tín với Lý Công Uẩn bị bắt giam. Và đến phút cuối cùng trước khi bị ném vào chuồng làm mồi cho hổ dữ nhưng với tấm lòng trung quân, ái quốc, Thái sư Phạm Cự Lượng vẫn thốt lên những lời gan ruột với vua rằng: “Người đứng đầu thiên hạ, đáng lẽ ra phải tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiện hạ chi lạc nhi lạc”; “Gỗ có lõi tốt sẽ không sợ mối mọt, vua có sáng, quan không tham, quân không hèn, lòng dân yên xã tắc sẽ hữu thịnh”. Hay như nhà sư trụ trì ngôi chùa đã từng cưu mang Lý Công Uẩn khi bị Lê Long Đĩnh dùng cực hình chẻ mía trên đầu vẫn cất lên những lời giác ngộ của người tu hành mong muốn có thể thức tỉnh phần nào sự u mê của một ông vua bạo chúa…

Từ biên cương,Lý Công Uẩn trở về không chỉ mang theo niềm vui chiến thắng mà còn tạo được mối bang giao với vua Chiêm Thành nhưng vẫn bị Lý Long Đĩnh cho giam vào ngục tối… Và điều gì đến sẽ phải đến, không phải là những lời sấm truyền mà là những việc làm tàn bạo và độc ác của Lê Long Đĩnh đã khiến cho triều đại Tiền Lê thực sự sụp đổ, dưới sự chỉ huy của tướng Đào Cam Mộc, quân và dân đã nổi dậy lật đổ Lê Ngọa Triều tôn vinh Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Vua Lý Thái Tổ không chỉ là người gây dựng nên triều nghiệp nhà Lý mà ông còn là vị vua có tầm nhìn xa, trông rộng khi quyết định rời đô từ Hoa Lư về đất Thăng Long vào năm 1010 trong lịch sử Việt Nam.

Đã từng thành công với nhiều vở diễn về đề tài lịch sử như: Vua Thánh triều Lê, Gươm thiêng trả lại hồ thần, và giờ đây là Lý triều dựng nghiệp, một lần nữa nữ đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc. Đó là sự đau thương đến uất ức trước sự tàn ác của Lê Long Đĩnh khi cho trầm hà hết tất cả những người mang dòng họ Lý và cảnh chẻ mía trên đầu nhà sư; đó là sự cảm động trước mối tình son sắt, thủy chung một lòng của tiểu thư Bội Ngọc và Lý Công Uẩn hay sự cảm thông trước tình yêu đơn phương của hoàng hậu đương triều dành cho tướng quân họ Lý…
Đáng chú ý, trong tác phẩm đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã sử dụng kỹ thuật của rối bóng để diễn đạt những cảnh giao chiến và đặc biệt là chị đã sử dụng khá hiệu quả những khối hình chữ nhật được kết nối bằng thun trong nhiều cảnh diễn. Những đạo cụ này xuất hiện trong nhiều cảnh diễn, lúc là chiếc cũi để Lý Long Đĩnh trầm hà những người dân vô tội, lúc lại là sóng nước của con thuyền… Tuy nhiên đôi lúc sự thể hiện những đạo cụ này của diễn viên chưa được nhuần nhuyễn khiến cho người xem có cảm giác sân khấu hơi bị rối.

Tham gia diễn xuất trong Lý triều dựng nghiệp là những gương mặt trẻ của Đoàn diễn xuất 2 – Nhà hát Cải lương Việt Nam như: NS Tuấn Thanh vai Lý Công Uẩn, Trung Tuấn vai Lê Long Đĩnh, Hoa Mai vai tiểu thư Bội Ngọc, Thùy Dung vai hoàng hậu và sự góp mặt của NSƯT Trọng Bình, Quang Thuận, Hồng Hà … Đáng nói là phần lớn trong số đó đều là những nghệ sĩ trẻ lần đầu đảm nhiệm vai chính nhưng họ đã vượt lên chính mình để hoàn thành tốt vai diễn, góp phần mang lại sự thành công cho vở diễn. Hy vọng sắp tới đây khi công diễn chính thức, Lý triều dựng nghiệp sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự yêu mến của khán giả dành cho vở cải lương về đề tài lịch sử này.

Huyền Chi

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *