Lần đầu, Hà Nội có một đoạn phố được trang điểm bằng những bức bích họa khổng lồ.
Ðó là phố bích họa ở phố Phùng Hưng, nơi mỗi người đặt chân đến không chỉ được sống lại với ký ức về những giai đoạn lịch sử Thủ đô mà còn có thể tìm thấy những phút giây chiêm nghiệm giữa nhịp sống đô thị ồn ã.
Tái hiện ký ức di sản
Những ngày này, đi qua phố Phùng Hưng, đoạn dẫn lên cầu Long Biên thấy có nhiều điều rất lạ. Ðoạn vỉa hè gắn với các vòm cầu phía đông con phố vốn trước đây lộn xộn hàng trà đá, quán bia hơi, bãi gửi xe thì nay đã dọn sạch sẽ, chuẩn bị được lát đá xanh. Phía bức tường – vốn là các vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên, đang được các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc miệt mài vẽ những bức bích họa khổng lồ.
Với chủ đề “Ký ức di sản”, 19 bức bích họa khi hoàn thành sẽ che lấp bức tường đá xù xì thô ráp đang bít kín vòm cầu, mang lại một diện mạo mới, sống động cho khu vực này. Ðây là hoạt động nằm trong dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) thực hiện.
Phố Phùng Hưng có đường dẫn đường sắt lên cầu Long Biên là khu vực di sản đô thị của Hà Nội. Cùng với lịch sử phát triển của Thủ đô, nơi đây cũng trải qua nhiều biến đổi. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Trường đại học Xây dựng Hà Nội), đường Phùng Hưng xây trên nền hào nước bao quanh thành Hà Nội bị lấp đi khi phá dỡ tường thành vào năm 1889. Con phố này xuất hiện đồng thời với công trình đường sắt, nối ga Hàng Cỏ lên cầu Long Biên (1902).
Những năm qua, không ít nhà nghiên cứu, nhà khoa học, Việt kiều yêu Hà Nội đề xuất nhiều ý tưởng chỉnh trang, cải tạo khu vực này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chưa ý tưởng nào trở thành hiện thực. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Ðây là một trong những khu vực gắn với lịch sử của Thủ đô nhiều năm qua, được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị. Giữa năm 2017, được sự giới thiệu của Chương trình định cư con người (Liên hợp quốc), chúng tôi đã làm việc với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, là đơn vị đã thực hiện làng bích họa ở Quảng Nam. Hai bên tiến hành nhiều cuộc khảo sát phục vụ dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”. Xác định đây là dự án phức tạp, chúng tôi tiến hành nhiều nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo lên thành phố Hà Nội. Ðây là giai đoạn đầu dự án cho nên chúng tôi chọn việc trang trí bằng các bức họa, vừa rút ngắn được thời gian triển khai vừa phát huy được các giá trị di sản tại đây, đồng thời mức đầu tư thấp nhất”.
Thêm một không gian văn hóa mới
Tại nhiều nước trên thế giới, mô hình mỹ thuật cộng đồng không mới. Ở Việt Nam, các họa sĩ Hàn Quốc từng vẽ bích họa ở cả một làng của xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Với Hà Nội, tuy dự án bích họa trên phố Phùng Hưng còn khá mới mẻ nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, hình thức chuyển tải nội dung các bức bích họa rất độc đáo. “Với một thành phố hơn nghìn năm tuổi như Hà Nội, một dự án mỹ thuật cộng đồng lấy chủ đề Ký ức di sản là hợp lý. Dù chỉ đề cập được một khía cạnh rất nhỏ của di sản, nhưng bản thân dự án này đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người dân. Ở Tam Thanh cũng có làng bích họa, nhưng ở đó không nói về ký ức; còn tại phố Phùng Hưng, những hình ảnh “kể” câu chuyện của con phố, có những tác phẩm không mang đi đâu được, chỉ có thể gắn ở phố đó thôi”.
Hà Nội sở hữu bề dày hàng nghìn năm lịch sử, với những tầng di sản phong phú. Song để mở rộng những không gian di sản này, trở thành địa chỉ văn hóa, điểm vui chơi của nhân dân thì chưa nhiều. Ngoài con đường gốm sứ được xem là dự án cộng đồng đầu tiên thì “Phố bích họa trên đường Phùng Hưng” được xem là dự án mỹ thuật cộng đồng thứ hai ở Thủ đô. Theo các chuyên gia, với tên gọi này, trước hết, nó phải đem lại lợi ích cho cộng đồng. Con đường gốm sứ dù đã làm đẹp cho con phố ven đê nhưng do vị trí không thuận lợi cho nên không thể trở thành không gian văn hóa cho cộng đồng. Với phố Phùng Hưng, nhờ lợi thế gắn kết với phố cổ, phố đi bộ… dự án được kỳ vọng sẽ kết nối với các khu vực chung quanh, trở thành điểm đến cho du khách, khiến khu phố sẽ văn minh hơn. Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng Ban Khoa học – Văn hóa UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Tuyến phố có thể là tụ điểm nghệ thuật để các nghệ sĩ triển khai ý tưởng. Quan trọng là nghệ thuật phục vụ cộng đồng thì người dân phải được hưởng lợi từ dự án”.
Ðiều này cũng được đồng chí Phạm Tuấn Long khẳng định: “Khu vực phố bích họa gần với chợ hoa truyền thống dịp Tết, chợ Trung thu truyền thống ở Hàng Lược, sẽ trở thành nơi diễn ra các hoạt động văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phục vụ người dân Thủ đô và du khách”.
Ông Lee Kang Jun – Giám đốc Mỹ thuật của dự án chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi được tham gia vào dự án mỹ thuật cộng đồng lần này – một phần của dự án phát triển phố cổ Hà Nội. Với chủ đề xuyên suốt “Ký ức về Hà Nội”, chúng tôi mong muốn tái hiện hình ảnh một Hà Nội của quá khứ lẫn hiện tại trên những bức bích họa được họa sĩ hai nước Hàn Quốc và Việt Nam thể hiện. Sau khi dự án hoàn thành, tôi hy vọng các dự án mỹ thuật cộng đồng tiếp tục phát triển và con phố này sẽ trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn trong khu vực phố cổ”.
Nhiều người dân Thủ đô bày tỏ niềm vui vì thời gian gần đây bộ mặt đô thị Hà Nội có nhiều biến chuyển, không gian thành phố đang được chỉnh trang theo chiều sâu, mở rộng không gian văn hóa, chú ý lợi ích của cộng đồng hơn. Bà Hoàng Thị Chính, người dân ở phố Hàng Lược chia sẻ: “Phố đẹp thì người dân sẽ tự hào và có ý thức gìn giữ hơn”.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội.
Hà Nội thu hút du khách khám phá bởi giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, với rất nhiều địa tầng văn hóa, di sản ẩn sâu sau sự bình dị. Phố bích họa Phùng Hưng bên cạnh mục tiêu tạo thêm một điểm đến, một không gian văn hóa mới ở Thủ đô, nếu được triển khai tốt và bài bản cũng chính là một trong những cách quảng bá hấp dẫn về văn hóa và con người Hà Nội.
Theo nhandan.com.vn