Học, thực hành và truyền dạy Ca trù trong suốt chặng đường hơn 80 năm, ngang qua hai thế kỷ nhiều thăng trầm, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm vẫn không ngừng cống hiến hết mình cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển Ca trù nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung.
Chát tom, tom chát xưa nay
Đã vui nhịp phách, lại say khúc vàng
Ca trù ai lựa nên xoang
Cho ta hương sắc, tình tang ở đời
(Duyên ca trù – NNDG Ngô Văn Đảm)
Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể với những đóng góp dành cho nghệ thuật Ca trù, nhưng không chỉ vậy, nghệ nhân Ngô Văn Đảm còn am tường một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như xẩm, quan họ…, thành thạo các loại đàn đáy, nguyệt, nhị, bầu. Ở tuổi 90, ông thực sự là một “báu vật sống” ở đời.
Thuở ấu thơ đã “say” với Ca trù
Nghệ nhân Ngô Văn Đảm sinh năm 1928 tại mảnh đất chèo huyện Kiến Xương, quê lúa Thái Bình. Ngay từ nhỏ, những lời ca, tiếng đàn, thanh âm nhịp phách, trống gõ của những làn điệu ca trù đã lôi cuốn ông. Nhưng thuở ấy nhà nghèo, hơn nữa trẻ con đâu có được lui tới nơi vui chơi, đàn hát của những bậc quan lại, lý trưởng, chánh tổng trong làng. Nhưng vì muốn được xem, được nghe hát nên ông xin làm chân lính quạt hầu quan và cho những người đàn hát. Thế là vừa đứng quạt ông vừa học lỏm cách hát, cách gõ, ghi nhớ từng làn điệu, từng lời ca. Lên tám, lên chín, ông đã có thể gõ trống một cách thành thục. Cứ như vậy, ông tự mày mò học, tích lũy, ghi lại những kiến thức về ca trù từ đó…
Cụ Ngô Văn Đảm – “báu vật sống” của nghệ thuật dân gian
Đeo đuổi đam mê
Năm 1945, khi vừa tròn 17 tuổi, ông Ngô Văn Đảm đi theo tiếng gọi của cách mạng, vào bộ đội tham gia kháng chiến. 19 tuổi, ông được kết nạp Đảng. Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, ông về đóng quân tại Hà Nội, công tác trong ngành giao thông vận tải. Từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dù trong chiến tranh ác liệt, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, ông vẫn đeo đuổi niềm đam mê của mình. Ông đã tìm đến NSND Quách Thị Hồ học hỏi, nhờ bà chỉ dạy. Mới đầu, bà cứ một hai tiếng gọi ông là “ông cán bộ”, mãi sau mới biết bà hơn ông những mười mấy tuổi. Cùng chung một niềm đam mê nên mỗi lần ông đến học là cô trò lại có thể đàm luận về ca trù tới thâu đêm. Cũng nhờ vậy, ông được bà truyền dạy những kiến thức vô cùng quý giá, có những điều không thể tìm thấy trong sách vở hay tài liệu nào cả. Ngoài ra, ông cũng học hỏi những bậc tiền bối như các cụ Nguyễn Xuân Khoát, Chu Văn Du…
Hơn 80 năm tự tìm tòi, học hỏi, sưu tầm và nghiên cứu, nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm đã lưu giữ được nhiều tư liệu hiếm có và giá trị về nghệ thuật ca trù, bằng sách vở và trong trí óc của ông. Có những khi được hỏi, ông chẳng cần phải viện dẫn từ cuốn sách nào mà có thể nói vanh vách, tường tận. Nghệ nhân Ngô Văn Đảm đúc kết, đặc sắc nhất của ca trù đó là sự “đơn âm đa thanh” trong nhạc và sự đa tầng, đa nghĩa của vẻ đẹp tiếng Việt trong ngôn ngữ, lời ca. Bởi vậy mà nghệ thuật ca trù có giá trị rất lớn, cần phải được gìn giữ và tôn vinh.
Tâm nguyện để Ca trù mãi được lưu truyền
Nghệ nhân Ngô Văn Đảm luôn đau đáu với việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật Ca trù cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác. Với mong muốn đó, ông đã sáng lập, giữ chức Chủ nhiệm CLB UNESCO Ca nhạc truyền thống dân tộc của Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội, đồng thời là cây bút chủ lực của CLB. Chỉ ít tháng sau khi đi vào hoạt động, CLB đã cho ra đời nhóm “Ca trù UNESCO Hà Nội” mà ông là quan viên cầm chầu. Nhóm Ca trù UNESCO Hà Nội đã phục vụ hàng ngàn lượt khán giả trên địa bàn thành phố, tại các cơ quan, trường học, trong quân đội, phục vụ các lễ hội… Nghệ nhân Ngô Văn Đảm đã đưa nghệ thuật dân gian đến gần hơn với người nghe bằng chính những sáng tác của mình. Đó là những bài hát mà ông viết lời dựa trên các làn điệu truyền thống, có nội dung gần gũi, mang hơi thở thời đại, ngợi ca quê hương đất nước… như bài “Cây cao bóng cả”, “Thăng Long địa linh nhân kiệt”…
Nhiều năm qua, nghệ nhân Ngô Văn Đảm đã đi nhiều tỉnh, thành phố, tham gia giảng dạy ca trù miễn phí tại nhiều trường đại học, các câu lạc bộ, nhóm hát, đặc biệt là cho các bạn trẻ. Ông chỉ mong muốn đem những kiến thức về văn hóa phi vật thể đáng quý của dân tộc mà mình có được truyền đạt lại cho nhiều thế hệ, để từ đó nghệ thuật truyền thống luôn được lưu truyền.
Với những đóng góp trong bảo tồn và gìn giữ Ca trù cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, cụ Ngô Văn Đảm đang được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II năm 2018.
Học, thực hành và truyền dạy Ca trù trong suốt chặng đường hơn 80 năm, ngang qua hai thế kỷ nhiều thăng trầm, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm vẫn không ngừng cống hiến hết mình cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển Ca trù nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung.
Minh Trang
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm