Tại hồ Văn (thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đang diễn ra phiên chợ sách “Một nét văn hoá Hà Nội” do Công ty Trường Phương và MaiHa Books phối hợp tổ chức với mong muốn mang đến cho độc giả nguồn tri thức vô tận từ các đầu sách và cũng là nơi để những người con của đất Việt được trải nghiệm lối sống tinh hoa của người Hà Nội.
Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường và những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Ngày nay, với sự ồn ào, náo nhiệt của xu hướng quốc tế hóa, Hà Nội cũng trở nên nhộn nhịp hơn trước. Nhưng đâu đó trong những góc phố Thủ đô vẫn luôn tồn tại những nét văn hóa của Hà Nội xưa, như truyền thống hiếu học – một truyền thống của dân tộc Việt Nam, của Thăng Long – Hà Nội – vùng đất nổi tiếng với những làng khoa bảng, làng tiến sĩ. Và từ xưa tới nay, những nét truyền thống đó vẫn được giữ gìn trong con cháu và là một nét đẹp văn hóa của kinh đô ngàn năm văn hiến.
Tiếp nối truyền thống đó, Phiên chợ sách “Một nét văn hoá Hà Nội” được tổ chức tại hồ Văn, nằm cạnh ngay trường đại học đầu tiên của Việt Nam Văn Miếu – Quốc tử Giám gắn liền với lịch sử vĩ đại, nơi hội tụ tinh hoa đất học của Đại Việt xưa và nay. Qua hàng trăm năm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành một biểu tượng không thể thay thế của Thủ đô Hà Nội.
Thông qua Phiên chợ sách, BTC mong muốn từ không gian kết hợp xưa và nay gửi gắm đến cho độc giả nguồn tri thức vô tận từ các đầu sách, tiếp nối truyền thống hiếu học và cũng là nơi để những người con của đất Việt được trải nghiệm lối sống tinh hoa của người Hà Nội, những nét văn hóa đặc sắc tưởng chừng phai mờ theo thời gian, nay lại được sống lại qua các trang sách.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, thực tế cho thấy đời sống của sách ngày càng phong phú, dù ngôn ngữ phương tiện số ngày càng phát triển mạnh. Sách tích hợp truyền tải giá trị văn hoá nghệ thuật đồng thời thể hiện ngôn ngữ viết, vẽ. Và quan trọng sách đòi hỏi ta phải nâng niu, đòi hỏi đầu tư hơn cho cuốn sách. Xu thế hiện nay là sách ngày càng đẹp, đến với chúng ta thực sự là tác phẩm văn hoá nghệ thuật, tích hợp nhiều ngôn ngữ khác nhau, không chỉ có viết. Đó thực sự là nỗ lực của giới làm sách.
“Việc tổ chức hội chợ sách, phiên chợ sách có nhiều hình thức phát triển. Bên cạnh các sự kiện trực truyến tạo ra thị trường mạnh mẽ phù hợp với hoàn cảnh hiện nay thì cách làm truyền thống vẫn cần phát huy… Đặc biệt, BTC lựa chọn Hồ Văn – một địa điểm văn hoá gắn với di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi tôn vinh việc học, việc đọc mang ý nghĩa rất lớn…”.
Tại sự kiện văn hóa lần này, nhiều hoạt động được tổ chức hướng tới kết nối sách với cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt, nhất là tạo lại đường nét văn hóa Hà Nội xưa. Tại đây, khách tham quan sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với những hoạt động như làm giấy dó, nghe hát xẩm, chiếu chèo…, tham gia các trò chơi dân gian.
Chợ sách cũng trưng bày và bán các xuất bản phẩm với nhiều chủ đề đa dạng. Bên cạnh những ấn phẩm học thuật, độc giả còn được chiêm ngưỡng dòng sách di sản được ví là những tuyệt phẩm nghệ thuật trên giấy dó, một chất liệu mang đậm dấu ấn truyền thống. Những ấn phẩm được in trên giấy dó không chỉ có nội dung giá trị với xã hội mà còn là tác phẩm nghệ thuật kết tinh từ sức lao động sáng tạo của các nghệ nhân và những người làm sách. Nó là giọt giá trị lắng đọng văn hóa lịch sử khi sách được in trên một chất liệu truyền thống.
Vy Vy