Việc mừng thọ chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp: Thể hiện đạo hiếu, lòng biết ơn, sự kính trọng, quan tâm đối với ông, bà (cha, mẹ); giúp người già thấy hạnh phúc hơn khi con cháu sum vầy, thành đạt, động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích; là dịp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống gia đình…
Mùa Xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, là mùa của các lễ hội, nhiều phong tục đẹp, trong đó có mừng thọ. Những ngày đầu Xuân, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội lại long trọng tổ chức lễ mừng thọ cho các bậc cao niên. Lễ mừng thọ là dịp để con cháu thể hiện đạo hiếu kính, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, là hành động thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính già yêu trẻ”.
Thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ duy trì phong tục mừng thọ nhân dịp đầu Xuân
Ảnh: Bảo Linh
Chẳng biết phong tục mừng thọ có từ bao giờ và đâu là nơi đầu tiên thực hành, chỉ biết rằng, từ rất lâu, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa ứng xử của người Việt. Người xưa quan niệm, tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người, những người sống thọ là những người có phúc lớn. Vì vậy, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ. Việc mừng thọ được chia thành: Thượng thọ hay là thượng thọ thất tuần (70 tuổi), đại thọ hay thượng thọ bát tuần (80 tuổi), thượng thượng thọ hay thượng thọ cửu tuần (90 tuổi) và bách tuế hay bách niên chi lão (100 tuổi). Tùy theo phong tục, tập quán từng nơi nhưng về cơ bản, bên cạnh việc tổ chức mừng thọ của địa phương (thường là do Hội Người cao tuổi tổ chức) thì con cháu trong gia đình bao giờ cũng tổ chức riêng. Việc mừng thọ có thể được tiến hành ở nhà riêng, nhà thờ của dòng họ (hoặc nhà hàng tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình) nhưng dù tổ chức ở đâu thì cũng không thể thiếu những lời chúc tốt đẹp. Nhân dịp này, con cháu mua những món quà để bày tỏ lòng biết ơn, mong ông, bà (cha, mẹ) được sống lâu, mạnh khỏe. Những món quà thường là tấm áo, chiếc khăn, tranh chữ, câu đối…cũng có khi có thêm những bài thơ mà con cháu làm để tặng bậc cao niên trong dịp trọng đại.
Mừng thọ thể hiện đạo hiếu, lòng biết ơn, sự kính trọng, quan tâm đối với ông, bà (cha, mẹ)
Việc mừng thọ chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp: Thể hiện đạo hiếu, lòng biết ơn, sự kính trọng, quan tâm đối với ông, bà (cha, mẹ); giúp người già thấy hạnh phúc hơn khi con cháu sum vầy, thành đạt, động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích; là dịp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống gia đình, về tấm gương của các bậc cao niên, để từ đó mỗi người tiếp tục nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác, thêm quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi. Đây cũng là dịp để hàng xóm láng giềng sang chúc thọ, làm gắn bó khăng khít hơn tình làng nghĩa phố trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, trước tác động của lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền mà quên mất những giá trị văn hóa truyền thống, một bộ phận dân cư không coi trọng việc mừng thọ, hoặc sợ mừng thọ thì người thân của mình sớm qua đời nên không tổ chức mừng thọ. Cũng lại có trường hợp, việc mừng thọ bị lợi dụng thành cơ hội cám ơn, trả nghĩa cho các mối quan hệ xã hội. Nhân vật chính được coi là “cái cớ” và các món quà cũng không còn là tấm áo, chiếc khăn, mà được chuyển thành các giá trị vật chất “khủng”, làm biến dạng ý nghĩa tốt đẹp vốn có của việc mừng thọ. Chưa kể, vì đến để trả nghĩa, cám ơn nên ai nấy đều cố để chụp ảnh chung với người được mừng thọ. Việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe người được mừng thọ. Xong việc (có trường hợp chưa xong lễ mừng thọ), người được mừng thọ đã quá mệt phải cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Để việc mừng thọ thật sự có ý nghĩa, thì một điều quan trọng không thể bỏ qua đó là phải tham khảo ý kiến của người được mừng thọ để tổ chức buổi lễ cho phù hợp (về địa điểm, số lượng khách mời, về thủ tục lễ nghĩa). Tránh rườm rà về mặt thủ tục cũng như phô trương, lãng phí trong tổ chức mừng thọ. Bên cạnh đó, cần chấm dứt tình trạng “mượn” việc mừng thọ để thực hiện các mục đích khác. Hãy thực hành phong tục mừng thọ để đây là dịp thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu đễ, biết ơn của con cháu với ông, bà (cha, mẹ) trước tiên ở trong gia đình và rộng ra là với xã hội.
Phú An