Sở Văn hóa và Thể thao vừa ban hành Kế hoạch số 380/KH-SVHTT, ngày 20/10/2021 về việc cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giai đoạn 2021- 2025.
Nội dung của Kế hoạch thống nhất với Kế hoạch Cải cách hành chính; các Kế hoạch về cải thiện, nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC: Chỉ số CCHC (PAR Index); Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA Index).
Nguồn: Hanoimoi
Về công tác thông tin, tuyên truyền, Sở sẽ tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chỉ số PAPI; kết quả hàng năm; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Thành phố. Thông tin, tuyên truyền nội dung của Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch hàng năm của thành phố Hà Nội, của Sở; nhiệm vụ của các cấp chính quyền và của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền gắn với việc thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 14/6/2021 của UBND Thành phố về Thông tin, tuyên truyền Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về kết quả phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, nâng cao sự hài lòng của người dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền. Khuyến khích người dân phát huy vai trò, quyền lợi và trách nhiệm đóng góp ý kiến, động viên, cổ vũ, giám sát chính quyền trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Để cải thiện 8 Chỉ số nội dung thuộc Chỉ số PAPI, Sở sẽ tập trung thực hiện các nội dung cụ thể như: Đối với chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” sẽ chú trọng những nội dung liên quan quyền lợi, nghĩa vụ, vấn đề mật thiết tới sinh kế của người dân; tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân tham gia các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hội, nhóm, câu lạc bộ,… theo quy định của pháp luật; Đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, tự nguyện; đảm bảo quyền được bàn bạc, đóng góp ý kiến, quyết định của người dân khi đóng góp các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, xây dựng, sửa chữa công trình công cộng. Đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát của người dân trong quá trình sử dụng các khoản đóng góp, thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng,…
Đối với Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách”: Thực hiện tốt trách nhiệm cung cấp thông tin khi người dân có nhu cầu. Các phòng, ban, đơn vị cập nhật thông tin về chính sách pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách; phạm vi quản lý, phục vụ trên trang thông tin điện tử, bảng thông báo, bảng tin công khai; Bộ phận Tiếp công dân, Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính làm tốt nhiệm vụ cung cấp, giải thích, giải đáp thông tin khi người dân yêu cầu.
Về Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, củng cố sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân đối với của đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp thu, phúc đáp, phản hồi, giải quyết có hiệu quả những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố giác, tố cáo của người dân.
Tăng cường Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm
trong việc sử dụng ngân sách; trong quá trình giải quyết thủ tục việc cấp phép cho tổ chức, công dân. Tích cực, chủ động triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tiêu cực, chống tham nhũng trong hoạt động công vụ trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động vào cơ quan nhà nước. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, công khai hình thức, mức độ xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm để người dân biết, thực hiện giám sát. Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin, nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, của công chức; có cơ chế bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng.
Đối với Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”: Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; tăng số lượng các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC, về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức liên quan việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho người dân, tổ chức. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, tập trung ở các thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Sở.
Về “Cung ứng dịch vụ công”, thực hiện đầu tư, củng cố, cải thiện cơ sở hạ tầng ứng dụng CNTT đặc biệt là các thiết bị CNTT, hệ thống mạng kết nối 24/7, cấu hình công nghệ đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống giao thông khu vực nông thôn; cải thiện rõ nét tình trạng ùn tắc trong nội đô.
Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao Chỉ số nội dung “Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường”. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường không khí Thủ đô.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cổng giao tiếp điện tử của Sở (https://sovhtt.hanoi.gov.vn); thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người dân về dự thảo chính sách, pháp luật trên Cổng; cập nhật đầy đủ, chi tiết thông tin về TTHC. Nghiên cứu cải tiến về chức năng, giao diện theo hướng khoa học, dễ sử dụng khi tra cứu thông tin về TTHC. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội (https://dichvucong.hanoi.gov.vn) khi thực hiện làm TTHC. Tăng cường tuyên truyền về các hướng dẫn khai thác, sử dụng nhằm khuyến khích, giúp đỡ, hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng mạng Internet, các phần mềm, khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập trung ở khu vực ngoại thành, nông thôn, khu tập trung đông công nhân, người lao động ngoại tỉnh để tăng chỉ số “Quản trị điện tử”.
Việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền thành phố nhằm phấn đấu để chỉ số PAPI của Thành phố Hà Nội trung bình mỗi năm tăng ít nhất 05 bậc đến năm 2025, Thành phố Hà Nội đứng trong nhóm các tỉnh/thành phố đạt mức Trung bình (nhóm 3); các Chỉ số nội dung và nội dung thành phần tăng tương ứng; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của Thành phố giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.
Minh Đạt
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm