Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực  hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, thương hiệu, hạ giá thành, đổi mới sản phẩm… nhằm tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường và khẳng định thương hiệu hàng hóa Việt.

Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề  đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống Nhân dân Thủ đô. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo, chủ động, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố (TP) đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả CVĐ, góp phần tích cực vào việc thực hiện 2 mục tiêu kép của TP: Phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch hiệu quả. Trong đó, TP đã thực hiện hiệu quả chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường và chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. CVĐ đã thu hút sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao chứng nhận cho các DN  đạt danh hiệu top 1 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021.

Công tác đảm bảo hàng hóa được TP thực hiện hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và khi TP thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, TP đã chú trọng công tác chuẩn bị hàng hóa, hỗ trợ lưu thông hàng hóa và cung ứng dịch vụ, triển khai nhiều hoạt động thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân. TP đã phối hợp tổ chức thực hiện 200 chuyến bán hàng lưu động, 13 điểm bán hàng của các tỉnh tại Hà Nội, 14 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, hỗ trợ 153 xe vận chuyển hàng hóa của các tỉnh; hướng dẫn tổ chức hơn 500 chương trình khuyến mại của các đơn vị; phối hợp tổ chức 89 chợ hoa Xuân…Các cấp Công đoàn TP phối hợp với 20 DN tổ chức chương trình “Tết sum vầy” để tổ chức các gian  bán hàng Tết cho người lao động. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp tổ chức chương trình “Xuân yêu thương – Tết đoàn viên” hỗ trợ 259 suất quà đến các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hội Liên hiệp phụ nữ TP tổ chức 10 ngày vàng giới thiệu sản phẩm an toàn của doanh nhân Thủ đô. Các cơ sở Đoàn thuộc Thành đoàn Hà Nội tổ chức bán hàng, hội chợ ưu đãi giá rẻ cho thanh niên, công nhân và Nhân dân. Trên địa bàn TP không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Mô hình “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng Nhân dân đẩy lùi dịch COVID-19 chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đối với sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, DN, các sở, ban, ngành thành viên BCĐ CVĐ TP và các quận, huyện, thị xã đã  tập trung triển khai  các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi giúp các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giải cứu nông sản cho nông dân, đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường hàng hóa. TP hướng dẫn cá nhân, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến; giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, tìm kiếm thêm khách hàng, duy trì kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch. Sở Công thương đã triển khai phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP, đặc biệt là tại Vùng 1 qua hệ thống 78 siêu thị, 149 chợ, 4.095 điểm bán hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 DN và 565 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 253 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 927 địa điểm sẵn sàng bố trí làm kho bán hàng lưu động. Các hệ thống phân phối chủ động dự trữ hàng hóa tăng gấp 2 – 3 lần so với nhu cầu bình thường tại kho hàng và điểm bán trong Vùng 1.Tại các chợ đã thực hiện kết nối với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, DN cung ứng để hỗ trợ tiểu thương về nguồn cung hàng hóa để phục vụ Nhân dân. Bên cạnh số lượng xe của DN, Sở Giao thông vận tải huy động 528 xe, mỗi quận, huyện huy động 5 xe dự phòng sẵn sàng vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức nhiều hoạt động để liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như tổ chức thành công sự kiện “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội” – chương trình đầu tiên của cả nước- nhằm tháo gỡ khó khăn đầu ra cho các sản phẩm OCOP  cũng như sự ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các cơ sở Đoàn thuộc Thành đoàn Hà Nội phối hợp xây dựng nền tảng mua sắm trực tuyến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; phối hợp triển khai “Siêu thị mini 0 đồng”. Hội Nông dân tổ chức chương trình “Nông dân Thủ đô chung tay đẩy lùi COVID-19” ủng hộ các mặt hàng nông sản cho Nhân dân các quận nội thành; tặng quà cho các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19; thực hiện chương trình “Triệu bữa cơm – Hà Nội nghĩa tình”. BCĐ CVĐ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp thu mua, tiêu thụ rau củ quả tập trung để cung cấp cho người dân trên địa bàn và phục vụ các địa điểm trong khu vực nội thành; tổ chức các hoạt động liên kết các vùng giữa các địa phương nhằm kết nối hàng hóa, đảm, bảo nguồn cung cấp cho thị trường…

Năm 2021, có 213/271 sản phẩm dịch vụ của 150 doanh nghiệp được công nhận đạt tốp các sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.

Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2021 được tổ chức thành công. So với năm 2020, số lượng DN đăng ký tham gia tăng 6,5%; DN đáp ứng đủ tiêu chí tham gia theo quy chế tăng 45,6%; số lượng sản phẩm, dịch vụ đăng ký tham gia tăng 43,4%. Đã có 213 sản phẩm của 150 DN đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. BCĐ và các thành viên BCĐ, các sở, ban, ngành của TP tăng cường tuyên truyền kết quả chương trình bình chọn; tiến hành biên tập và phát hành ấn phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021” nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm được tôn vinh tại chương trình đến đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng hầu hết các DN, các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, thương hiệu, hạ giá thành, đổi mới  sản phẩm… nhằm tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường và khẳng định hàng hóa Việt. Đặc biệt, các DN, cơ sở đã chủ động, tích cực đổi mới  hình thức bán hàng để đưa hàng đến tay người tiêu dùng trong bối cảnh TP thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội. CVĐ đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện CVĐ, BCĐ CVĐ TP đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022: Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường công tác tuyên truyền CVĐ, trọng tâm là triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.  Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng. Tổ chức các hoạt động nhằm kích cầu nội địa, kết nối giao thương. Tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay cho DN, tạo môi trường thuận lợi giúp DN phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn TP gắn với thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế – xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch COVID-19…

Tâm Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *