Ngày 17/9, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND, triển khai nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các chỉ tiêu: 88% số hộ được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 62% số thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá”; 72% số tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Để hoàn thành chỉ tiêu này, thành phố triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đổi mới các hình thức tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính cần thiết cũng như lợi ích thiết thực, những tác động lớn lao, lâu dài của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đối với sự phát triển của Thủ đô. Tuyên truyền, giáo dục cho mỗi công dân Hà Nội nhận thức và hành động theo các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có ý thức tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống, khẳng định những giá trị mới, có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa, thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lĩnh vực đời sống hằng ngày…
Trong chỉ đạo, tổ chức triển khai phong trào phải gắn từng nội dung với việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của từng địa phương, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Gắn kết quả thực hiện phong trào với các tiêu chí thi đua cụ thể trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý, hằng năm. Quy trình bình xét phải thống nhất; gắn xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với “Gia đình văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Đơn vị văn hóa”. Thường xuyên rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phong trào các cấp đảm bảo có đầy đủ các thành viên như quy định nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên tục, hiệu quả.
Ngoài các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành phải huy động được mọi tiềm năng của các tầng lớp nhân dân vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa, sân thể thao, thư viện, tủ sách các thiết bị văn hóa…) và tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng ở cơ sở, đặc biệt là ở những khu vực gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, chính quyền chăm lo trợ giúp cho nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Cùng với đó, thực hiện các hình thức phát động phong trào thi đua, tổ chức các hội thi để lôi cuốn mọi lực lượng trong xã hội tham gia thực hiện các nội dung phong trào. Phối hợp thống nhất quy trình, tiến độ tổ chức đăng ký, kiểm tra bình xét các mô hình văn hóa hằng năm. Các cấp công nhận các danh hiệu theo đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đã quy định. Tiến hành sơ kết, tổng kết theo từng thời kỳ; tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn, tham quan để rút kinh nghiệm và tìm các biện pháp triển khai cho thời gian kế tiếp.
Biểu dương khen thưởng các gương điển hình xuất hiện trong quá trình thực hiện, đồng thời, phê phán đúng mực các biểu hiện gây tác động tiêu cực, xây dựng các chế tài xử lý những cá nhân, tập thể không thực hiện những nội dung phong trào.
Trong kế hoạch này, UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; bám sát nội dung cuộc vận động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của thành phố. Tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Các cơ quan báo, đài của thành phố xây dựng chuyên mục, dành nhiều thời lượng phản ánh sinh động các nội dung phong trào. Phát hiện, nêu gương các điển hình văn hóa, phê phán những thói hư, tật xấu, hành vi, lối sống xa lạ với nếp sống văn hóa dân tộc. Các nội dung, chương trình được phát sóng phải có tính định hướng, giáo dục cao, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người trong xây dựng văn hoá người Hà Nội.
Thùy Anh
Theo MaskOnline